Mẹo Du Lịch

CHIA SẺ KINH NGHIỆM XIN VISA Ý TỰ TÚC

Trong bài viết này, mình xin chia sẻ với cả nhà kinh nghiệm xin visa Ý tự túc, bao gồm cả những lưu ý rất quan trọng nhân dịp mình vừa trải qua chuyến đi 17 ngày trên đất Ý hồi tháng 5/2022. Chi tiết thêm về lịch trình cũng như review cụ thể về từng thành phố, bạn có thể xem thêm link bài mình comment dưới bài viết này nhé.

Từ trước đến giờ có nhiều bài review nói Ý và Pháp là hai nước dễ xin visa nhất trong khối Schengen. Thế nhưng thực tế so với năm 2018 khi mình xin của Pháp vô cùng nhanh gọn (mất đúng 4 ngày tính cả ngày lên nộp hồ sơ), lần apply visa Ý này có quá nhiều trải nghiệm không lường tới. Có thể do mới mở cửa lại nên phía ĐSQ Ý đã siết chặt giấy tờ và quy định hơn, thậm chí nhiều cái mình còn xem là hơi “quái gở”. (không rõ sau này có thay đổi không hay chỉ áp dụng với giai đoạn mới mở cửa hậu covid):

1/ Trước khi xin visa: Chuẩn bị hồ sơ

Lên website VFS của Ý, bạn sẽ thấy đầy đủ thông tin và hướng dẫn cần thiết. Mình apply ở đầu Hà Nội, giấy tờ được ghi rất chi tiết trên trang web của VFS (danh sách hồ sơ mình liệt kê ở mục 3 của bài viết này).

– Giấy tờ phải được dịch và công chứng sang tiếng Anh hoặc Ý. Ví dụ với sổ hộ khẩu, mình nộp một bản sao công chứng + một bản dịch tiếng Anh có dấu đóng của bên dịch công chứng.

– Ngày bắt đầu của bảo hiểm du lịch nên sớm trước khoảng 1-2 ngày so với ngày xuất phát, và dài hơn 2-3 ngày so với ngày rời khối Schengen. Thời điểm mình apply tháng 03/2022 yêu cầu bảo hiểm phải cover cả covid.

– Ngoài những giấy tờ “must have” kể trên, mình nộp thêm Cover letter, gọn gàng súc tích với mục đích bày tỏ nguyện vọng đi du lịch và cam kết sẽ trở về Việt Nam sau khi chuyến đi kết thúc. Mùa covid thì nộp thêm bản sao công chứng của giấy chứng nhận đã tiêm đủ mũi vaccine.

– Một điểm lưu ý nữa là bên ĐSQ Ý yêu cầu phải có sổ bảo hiểm xã hội nếu bạn không nhận lương hàng tháng qua hình thức chuyển khoản. Đợt nộp hồ sơ, chồng mình nhận lương tiền mặt nên bị yêu cầu bổ sung sổ bảo hiểm. Xui rủi thế nào đúng lúc sổ bảo hiểm bị mất, thế là mình phải làm thêm một tờ giải trình xác nhận mất sổ và vẫn được ĐSQ Ý chấp thuận.

Bên VFS báo mất tầm 1 tháng để review hồ sơ nhưng thực tế khoảng 10 ngày sau mình đã nhận được kết quả. Có lẽ thời gian sẽ tùy vào từng case, và tùy thời điểm bị quá tải hồ sơ hay không.

2/ Sau khi có kết quả: Các lưu ý quan trọng khác

– Đầu tiên, bạn phải có vé máy bay đã thanh toán tiền mới được nhận lại hộ chiếu. Sau khi có kết quả, phía VFS sẽ gọi điện cho bạn yêu cầu xuất trình vé máy bay đã thanh toán tiền mới trả hộ chiếu. Tuy họ không trả lời bạn pass visa chưa vì họ không được phép mở bì thư kết quả, nhưng gần như 100% pass rồi thì ĐSQ mới có yêu cầu đó.

– Ngoài vé máy bay, bạn có thể bị yêu cầu nộp cả vé tàu/vé máy bay giữa các thành phố hoặc các nước trong khối Schengen (đã thanh toán tiền) nếu lịch trình của bạn đi nhiều nước. Mình dùng từ “có thể” vì như mình không bị yêu cầu nộp vé tàu giữa các thành phố, nhưng đã có nhiều bạn trong group du lịch bị yêu cầu.

– Khi mang vé máy bay/vé tàu đến VFS để nhận hộ chiếu, ĐSQ yêu cầu ngày thực tế trên vé máy bay/ vé tàu phải khớp với hồ sơ ban đầu bạn apply. Nếu không, bạn phải nộp bổ sung toàn bộ giấy tờ liên quan đến lịch trình mới này (File lịch trình chuyến đi, bảo hiểm du lịch, giấy nghỉ phép của công ty, booking khách sạn).

– Tiếp, nếu bạn đã có kết quả visa và trước ngày khởi hành, bạn cancel toàn bộ booking khách sạn trong hồ sơ đã nộp cho ĐSQ trước đó (lý do có thể vì bạn muốn đổi chỗ ở khác, bạn tìm được nhà người quen….), bạn nên gọi điện/email cho VFS để họ báo với ĐSQ về sự thay đổi này. Nếu không thông báo và vô tình ĐSQ phát hiện bạn hủy booking khách sạn trước ngày đi, họ sẽ tiến hành thu hồi visa. Đây là trường hợp đã xảy ra mà mình được nghe chính chủ chia sẻ lại.

– Lại tiếp (và cái này thấy quái gở nhất này dù mình không trực tiếp gặp phải), nếu chuyến du hí của bạn đi nhiều nước (không phải đi mỗi Ý như mình), có thể ĐSQ Ý sẽ yêu cầu bạn đồng thời phải nhập cảnh tại Ý và thời gian ở Ý dài nhất trong cả chuyến đi. Đây là một yêu cầu rất kỳ quái bởi trước kia, chỉ cần đáp ứng 1 trong 2 yếu tố này đã đủ điều kiện xin visa. Tuy nhiên tùy từng case và hồ sơ mà ĐSQ đưa thêm yêu cầu này.

– Ngày trước xin visa Pháp, lịch trình mình xin đi 2 tuần những được duration đến tận 3 tháng. Lần này đi Ý, cũng xin đi 17 ngày nhưng duration chỉ cho 20 ngày và hạn visa đúng 1 tháng (từ 30/4-01/06). Rất may mắn khi mua vé máy bay, ngày đi ngày về của mình vẫn nằm trong thời hạn visa. Vậy nên bà con có đổi lịch trình thì đừng đổi xa ngày quá không vô cùng rủi ro.

3/ Checklist giấy tờ:

Đây là checklist cơ bản từ website của VFS, tùy từng case mà ĐSQ có thể yêu cầu thêm:

– Đơn xin cấp thị thực được điền đầy đủ, rõ ràng và do chính đương đơn ký tên (form này có thể lấy trên website VFS)

– Lịch trình chuyến đi (bằng tiếng Anh hoặc tiếng Ý)

– Hộ chiếu gốc + 1 bản copy tất cả các trang hộ chiếu

– Hai ảnh nền trắng mới chụp không chỉnh sửa, kích thước 4×6 hoặc 4×4; Một ảnh phải dán vào tờ khai

– Booking vé máy bay khứ hồi; Vé đi lại giữa các nước (nếu bạn còn đi các nước khác ngoài Ý); Booking khách sạn, các chứng minh về nơi ở, nơi lưu trú

– Chứng minh thu nhập: Tài khoản tiết kiệm online hoặc sổ giấy (checklist không ghi rõ tối thiểu bao nhiêu tiền, đợt mình đi thì nộp sổ 200 triệu)

– Nếu đương đơn là nhân viên/ công chức nhà nước: – Bản gốc sao kê tài khoản cá nhân thể hiện có nhận lương của sáu tháng cuối cùng. – Trong trường hợp đương đơn không nhận lương qua tài khoản: bắt buộc phải nộp copy Sổ Bảo hiểm Xã hội và Bản gốc sao kê tài khoản cá nhân / tài khoản thẻ tín dụng / Bảng lương.

– Nếu đương đơn là chủ doanh nghiệp hoặc cổ đông: – Giấy đăng ký kinh doanh của công ty; – Sao kê tài khoản cá nhân (kể cả trường hợp đương đơn là cổ đông) hoặc của công ty (đối với chủ doanh nghiệp) trong vòng 6 tháng gần nhất; – Hóa đơn đóng thuế ba tháng/1 quý/1 năm gần nhất.

– Nếu người nộp đơn đã nghỉ hưu: – Giấy tờ chứng minh tình trạng hưu trí (Quyết định hưu trí và/hoặc Thẻ hưu trí, Sổ lương hưu); – Bản gốc sao kê tài khoản cá nhân và/hoặc copy sổ tiết kiệm

– Thẻ tín dụng: Copy mặt trước thẻ + xác nhận hạn mức/số dư của ngân hàng

– Hợp đồng lao động

– Giấy nghỉ phép

– Bảo hiểm du lịch có hiệu lực cho thời gian lưu trú với mức bảo hiểm tối thiểu là 30.000 EUR, yêu cầu dài hơn 2-3 ngày so với ngày rời khối Schengen

– Sổ Hộ khẩu Gia đình

– Bằng chứng về mối quan hệ gia đình (Giấy kết hôn, khai sinh)

– Những giấy tờ khác hỗ trợ cho việc xin cấp thị thực: Tài sản nhà đất, giấy sở hữu ô tô,…. (nôm na những thứ giúp hồ sơ của bạn thêm uy tín đảm bảo)

TỔNG KẾT: Trên đây là một số những chia sẻ về tình hình xin visa Ý thời điểm này (tính đến tháng 05/2022). Nhìn chung so với Pháp, visa của Ý hiện nay làm chặt hơn rất nhiều. Tuy nhiên nếu bạn thật sự chuẩn bị cho chuyến đi một cách kỹ càng và cẩn thận, mình tin bạn cũng sẽ có được visa. Chưa kể nước Ý quá sức xinh đẹp, quyến rũ nên thôi đành tặc lưỡi là “Người đẹp thì phải mất công chinh phục thôi!”

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *