Chuyến Đi Thú Vị

Review Ai Cập

AI CẬP – Tìm về nền văn minh cổ đại

Thực sự choáng ngợp và tự hỏi không biết niềm tin lạ thường nào đã thúc đẩy người Ai cập cổ đại tạo nên được những kỳ quan như thế

Phải chăng, bởi nỗi ám ảnh về một thế giới tồn tại sau cuộc sống và hành trình tìm kiếm điên cuồng không ngừng nghỉ về sự bất tử đã khiến họ có thể biến những cái không thể thành có thể!!!

Có lẽ, nếu đem so với hơn 5000 năm tuổi của các Kim tự tháp thì vài chục năm đời người chẳng qua chỉ như một nhúm cát trên sa mạc mà thôi!

Dưới đây là một số kinh nghiệm mà mình muốn chia sẻ với các bạn về hành trình 10 ngày của gia đình mình:

THỜI GIAN NÊN ĐI

Thời điểm lý tưởng nhất đến Ai cập là từ tháng 10 đến tháng 4. Sau tháng 4 thời tiết rất nóng, 42 độ

VISA: Visa nộp ở Lãnh sự quán Ai cập, giấy từ chỉ cần hộ chiếu, thẻ cư trú (nhớ photo trước ở nhà) và 2 ảnh chân dung. Phí visa là 38 eur/1 người sẽ được cấp sau 4 ngày làm việc.

KHÁCH SẠN: Mình book landtour của 1 công ty Ai cập nên các khách sạn đều được đặt trước. Tuỳ vào nhu cầu và tài chính mà mọi người có thể tìm thấy các khách sạn với mức giá khác nhau. Tuy nhiên lưu ý là hệ thống đánh giá sao của các khách sạn ở Ai cập hơi cùi nên nhiều khi khách sạn 5* mà chỉ như 3-4* ở châu Âu thôi 😀

NHỮNG ĐỊA ĐIỂM CẦN ĐẾN:

CAIRO: Quần thể Kim tự tháp Cheops, Chephren, Mykerinus và tượng Nhân sư; kim tự tháp bậc thang Djoser, Kim tự tháp đỏ (Red Pyramid) và Bent Pyramid. Bảo tàng Cairo và chợ cũ Khan El Kalili.

Kheops là Kim tự tháp lớn nhất còn lại cho đến nay, được xây dựng cách đây hơn 4500 năm. Kheops hay còn được gọi là Khnum-Khufu là vị vua thứ hai của Vương triều thứ tư. Ông được coi là chủ nhân của Đại Kim tự tháp ở Giza – một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại!

Những khối đá dùng để xây dựng Kim Tự Tháp với khối lượng trung bình 2,5 tấn. Khối đá lớn nhất lên đến hơn 200 tấn ở dưới đáy Kim tự tháp. Theo ước tính, Kim tự tháp khổng lồ này nặng khoảng 6 triệu tấn
Cách vài trăm mét về phía tây nam của Kim tự tháp Kheops là Kim tự tháp Khafre – một trong những người kế vị Kheops và được tin rằng là người đã xây dựng Đại Sphinx Giza Đại Nhân sư!

Thời cổ đại, Kim tự tháp Kheops là cao nhất, nhưng trên thực tế khi ấy kim tự tháp Khafre nhìn vẫn có vẻ cao hơn vì các cạnh của nó có góc đứng hơn so với Kim tự tháp Kheops và nó được xây dựng trên thế đất cao hơn

Thêm vài trăm mét nữa ở phía tây nam là Kim tự tháp Menkaure, người kế vị Khafre, với chiều cao khoảng một nửa Đại kim tự tháp, được xem là kim tự tháp lớn cuối cùng của Ai Cập. Xung quanh kim tự tháp có ba kim tự tháp nữ hoàng của ba bà vợ hoàng đế Menkaure.

Red Pyramid – bản sửa của Bent Pyramid
Kim tự tháp Djoser, hay còn gọi là kim tự tháp bậc thang.

LUXOR: Đền Karnak, đền Luxor, thung lũng các vị vua, Đền thờ nữ hoàng Hatshepsut, thung lũng các nữ hoàng, Colosso of Memnon. Thăm quan đền Seti I (Abydos), đền thờ nữ thần Hathor (Dendera), đền thờ thần Horus (Edfu) và đền thờ 2 thần Kom Ombo.

LUXOR là một trong những cố đô thời Ai cập cổ đại, vốn được biết đến với tên “Thebes” (trong phim Xác ướp trở lại, địa danh này chính là nơi cậu bé Alex dừng chuyến tàu của Imhotep và chạy vào ngôi đền ). Nếu như ở Cairo là các Kim tự tháp hùng vĩ thì Luxor nổi bật bởi các đền thờ và mộ phần uy nghi, đồ sộ!
Đền Karnak là quần thể đền lớn nhất Ai cập còn tồn tại đến ngày nay, được xây dựng từ 1580 – 1160 TCN bởi khoảng 30 vị Pharaoh nối tiếp nhau.

Đền Luxor được xây dựng vào năm 1400 TCN. Nơi đây không dành để thờ bất kỳ vị thần hay vị vua nào mà là nơi làm lễ đăng quang của các vị vua!

Đền Luxor có ý nghĩa khá quan trọng trong các dịp lễ hội, đặc biệt là lễ Opet – lễ kỷ niệm ngày cưới của thần Amun và Mut. Vào ngày này, các bức tượng của Amun, Mut và Khonsu – con trai họ sẽ được đưa ra khỏi đền thờ chính tại Karnak và đem đến Luxor. Do lễ Opet được diễn ra vào mùa lũ nên nước sông Nile dâng tràn và họ phải dùng thuyền để chở những bức tượng này

Ngay trước cổng đền là các bức tượng của Ramesses II và hai cột tháp Obelisks (1 trong 2 chiếc cột đó hiên đang ở quảng trường Concorde tại Paris ). Trước khi được tìm ra và khai quật, ngôi đền này bị cát sa mạc lấp hết hơn 1 nửa (tương tự như hầu hết các di tích Ai Cập cổ khác). Để “moi” ngôi đền này lên vào năm 1885, các nhà khảo cổ đã phải đào cả 1 ngôi làng!!!

Ramesseum tại Luxor – đền tưởng niệm Ramesses II, vị Pharaoh nổi tiếng nhất, trị vì lâu nhất (66 năm vào thời cổ đại), người có công mở mang bờ cõi Ai Cập. Ông cũng là Pharaoh tự cho mình đã được sánh với các vị thần khi cho mình “ngồi chung” với tượng các vị thần tại Abu Simbel.
Vào khoảng năm 1500 Trước Công nguyên, các vị Pharaoh Ai Cập đã quyết định không xây thêm kim tự tháp làm lăng mộ cho mình sau khi băng hà nữa. Thay vào đó, thi thể của các Pharaoh sẽ được chuyển về Luxor và chôn cất trong một khu hầm mộ phức tạp. Đó chính là Thung lũng các vị vua. Một trong những ngôi mộ còn khá nguyên vẹn ở Thung lũng các vị vua là mộ của Pharaoh Tutankhamon, hay còn được gọi là Vua Tut.
Sau lưng bạn là tượng nữ hoàng Hatshepsut tại đền thờ của bà – Nữ Pharaoh đầu tiên của Ai Cập! Bà được thế giới công nhận như một trong những nữ hoàng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại! Đáng buồn và tiếc thay khi bà bị chính con rể và cũng là con riêng của chồng đập phá toàn bộ lăng mộ nhằm xoá bỏ hình ảnh của bà trong tâm trí người dân
ABYDOS – Nơi an nghỉ của vị thần Osiris

Theo nhiều tài liệu ghi chép, vị vua đầu tiên của Ai Cập – người lên ngôi gần 5.000 năm trước đã được chôn cất tại đây và mỗi năm người ta lại tiến hành các nghi lễ thờ cúng hết sức long trọng. Người Ai Cập cổ đại luôn tin rằng có sự hiện diện của thần Osiris – vị thần của thế giới bên kia.

Theo truyền thuyết, Osiris bị giết hại bởi người em trai tên là Seth và còn bị chặt làm 14 mảnh vứt xuống sông Nile, Isis mò tìm được 13 mảnh cơ thể trừ… bộ phận sinh dục. Sau khi được các vị thần hồi sinh, Osiris xin các vị thần cho mình xuống làm vua cõi âm và có một đứa con trai. Các vị thần ban phép cho Isis có thai và sinh ra Horus. Sau này, Horus đã đứng lên chiến đấu và giết được Set.

DENDERA – Một trong những ngôi đền to lớn, đồ sộ nhất của Ai Cập thờ thần Hathor – nữ thần sắc đẹp và ái tình

Thật đáng buồn khi ngôi đền thờ này mặc dù thoát được sự tàn phá của thời gian nhưng cuối cùng lại bị phá hoại bởi chính bàn tay phũ phàng của con người (hết bị người La Mã đốt lại đến người Thiên chúa giáo phá hoại các bức phù điêu và cuối cùng là người Arab cai trị đã cho phép Napoleon cướp phá các di tích còn lại của ngôi đền)

TẠI SAO MẶT TRĂNG KHÔNG THỂ TỎA SÁNG RỰC RỠ NHƯ MẶT TRỜI?

Trên các bức vẽ cổ đại, ta thường thấy có vị thần đầu chim ưng nhưng tuỳ vào biểu tượng trên mũ mà phân biệt giữa 2 vị thần nổi tiếng này của Ai Cập: Trên đầu có đĩa mặt trời thì đó là thần Ra – thần mặt trời còn nếu trên đầu đội mũ cao trắng và ngai đỏ thì chính là chắt của Ra – thần Horus!

Horus mang trên người Mắt Mặt Trăng, và Mắt Mặt Trời. Sau khi quyết chiến với ác thần Seth để trả thù cho cha thì đã bị Seth (cũng là chú ruột của Horus) làm hỏng mất 1 con mắt Mặt Trăng và kể từ đó, Mặt Trăng không thể nào tỏa sáng rực rỡ như Mặt Trời được nữa.

Hình ảnh “con mắt phải” là 1 biểu tượng nổi tiếng ở Ai Cập – biểu tượng cho sự bảo vệ!!!

Đền Edfu là ngôi đền thờ thần Horus (vị thần đầu chim ưng) được giữ gìn khá nguyên vẹn với các bức tường khắc hoạ lại câu chuyện Horus tiêu diệt chú của mình là thần Seth để trả thù cho cha là thần Osiris. Truyền thuyết cho rằng chính Edfu là vị trí Horus kết liễu Seth trước đây!

Đền Kom Ombo nằm phía hữu ngạn sông Nile, giữa hai thành phố Edfu và Aswan ở miền nam Ai Cập. Đây là ngôi đền thờ thần Sobek (thần cá sấu) và thần Horus (thần chim ưng) nên còn được gọi là “Đền thờ hai thần”.

Ngôi đền có kiến trúc Hy Lạp – La Mã cổ đại, có niên đại từ khoảng năm 180 trước công nguyên. Đền xây dựng bởi triều đại nhà Ptolemaic và hoàn thành vào thế kỷ thứ 3 – triều đại người Hy Lạp cai trị Ai Cập. Bởi vậy bên trong đền còn mang một số nét kiến trúc Hy Lạp và La Mã.

ABU SIMBEL – Một trong những công trình nổi tiếng dọc sông Nile ghi lại các chiến công của Ramesses II – vị Pharaoh vĩ đại, quyền lực và được ca tụng nhiều nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại! Ông trị vì 66 năm từ 1279-1213 TCN.

Chính giữa cửa ra vào đền là 4 bức tượng chân dung Ramesses II khổng lồ cao 22 m. Trên bệ thờ nằm sâu trong ngôi đền là 4 pho tượng ngồi trên cùng một bệ đá: thần Ptah, thần Amun-Ra , Ramesses II và thần Re-Harakhti. Thực sự không hiểu sao người Ai Cập cổ đại đã tính toán thế nào mà chính xác đúng mỗi năm hai lần vào ngày 21/2 và 21/10 ánh sáng mặt trời lúc bình minh lên sẽ chiếu thẳng vào tượng thần Amun-Ra rồi dần dần ánh sáng di chuyển từ phải sang trái, chiếu đến các tượng thần kế bên là Ramesses II và Re-Harakrti. Vị thần duy nhất mà ánh nắng không bao giờ chiếu đến là thần Ptah – vị thần của bóng tối . Thực sự thán phục bởi khả năng tính toán thiên văn học tuyệt vời của những người Ai cập cổ đại!

Bên phải bức ảnh chính là ngôi đền thứ 2 của Abu Simbel – đền thờ thần Hathor và Nefertari (hoàng hậu của Ramesses II), cách đền lớn khoảng 100m về phía đông bắc.

Vào thập niên 1960, vì lý do cần xây một đập thủy điện Aswan nhằm thúc đẩy nền kinh tế cho Ai Cập và mực nước sau khi hoàn thành sẽ dâng cao, có thể nhấn chìm di tích này dưới lòng nước. Để khắc phục tình trạng trên, Ai Cập, với sự trợ giúp của UNESCO trong vòng 8 năm đã giải cứu ngoạn mục cụm đền Abu Simbel – tác phẩm điêu khắc khổng lồ hơn 3000 nghìn năm tuổi bằng cách cắt nhỏ hai ngôi đền ra thành hơn 13,000 mảnh rồi vận chuyển lên cao hơn 60 mét và gắn kết lại với nhau

Rameses II là vị PHARAON ĐẦU TIÊN – DUY NHẤT ĐƯỢC CẤP HỘ CHIẾU!!!
Sau khi xác ướp của pharaon Rameses 2 được khai quật 1 thời gian, “ông” bị nhiễm nấm nên phải đưa sang Pháp điều trị Và ông là vị Pharaon đầu tiên, có thể nói là duy nhất được Ai Cập cấp hộ chiếu để lên đường xuất ngoại . Trong phần nghề nghiệp, hộ chiếu của ông được ghi là: “Nhà vua (đã qua đời)”.

ASWAN: Quần thể 2 ngôi đền Abu Simbel (đền thờ Pharaoh Ramsesse II và hoàng hậu Nefertari), đền Philae và làng Nubian.

Philae Temple
The Nubian village

MỘT SỐ TIPs LƯU Ý:

  • Ai cập đang dần đẩy mạnh việc quảng bá du lịch sau một thời gian dài bất ổn chính trị. Tuy nhiên tâm lý của người làm dịch vụ vẫn mang tính manh mún, tự phát. Bạn sẽ gặp phải việc đòi tips cho “hầu hết” các hoạt động, dịch vụ nên hãy chuẩn bị thật nhiều tiền lẻ (5, 10 EGP) và cảnh giác hết sức trước mọi lòng tốt 😀
  • Chính phủ Ai Cập có quy định nếu chụp “ảnh thương mại” tại các điểm du lịch phải nộp một khoản phí gần 200$. Tuy nhiên ko thấy định nghĩa rõ ràng thế nào là ảnh thương mại nên nhiều chỗ cảnh sát và những người trông coi di tích hay lợi dụng để xin đểu. Nếu bạn đứng lâu quá 1 chỗ để chụp hay cả 1 ekip hùng hậu đi theo thì nên coi chừng 😀 Bản thân nhóm mình cũng bị gọi vào mấy lần để kiểm tra ảnh trong máy, thậm chí ở Ramesseum còn cãi nhau kịch liệt với bảo vệ ở di tích nhưng sau cuối cùng cũng phải tips cho bọn họ 100 EGP để sau này họ tránh làm khó dễ cho anh bạn Guide của đoàn.
  • UPDATE chi phí mua vé camera tại các điểm du lịch cho các bạn tham khảo thêm, tiếc tiền không mua bị phạt ráng chịu nha :))

Manila Palace = 50 egp

Bảo tàng Cairo = 50 egp

Gayer-Anderson Museum = 50 egp

Valley of Kings = 300 egp

Abydos – vé máy quay = 100 egp

Abu Simbel = 300 egp

  • Nên trả giá “cực mạnh” cho các món đồ lưu niệm ở Ai cập! đây nổi tiếng với các loại giấy cói papyrus, bình đá, các đồ trang trí .. 😀 Kinh nghiệm của mình là cứ ra giá 30 – 50% giá họ đề xuất. Hoặc bạn có thể tự định giá món đồ lưu niệm dựa trên kinh nghiệm bản thân. Ở nhiều cửa hàng sau khi họ đồng ý với mức giá 30% mình đưa ra mà vẫn thấy bị hớ haha.

ĂN GÌ Ở AI CẬP

  • Nếu ai không quen các đồ ăn mùi mẽ của Ả thì hơi khó ăn ở Ai cập. Món truyền thống gà nướng ăn với cơm là lựa chọn tốt nhất cho những bạn nào không ăn được đồ địa phương ở đây. Ngoài ra thì ở các thành phố cũng có những cửa hàng ăn nhanh, pizza hay đồ Nhật nên cũng không lo chết đói ở đây đâu
  • Một bữa ăn đầy đủ (khai vị, món chính, tráng miệng) ở Ai cập có giá giao động từ 10-15$.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version