Chuyến Đi Thú Vị

Review Từ A Đến Z Du Lịch Côn Đảo

“Núi Côn Lôn được pha bằng máu
Đất Côn Lôn năm sáu lớp xương người
Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời
Mỗi tảng đá là một trời đau khổ”

Có lẽ, không đâu trên thế giới này xương máu tích tụ và dồn nén đến đậm đặc, truyền kì đến như vậy. Trải qua mấy nghìn năm, để giành và giữ độc lập, để đất nước có được tự do, các thế hệ người Việt Nam đã dùng máu của chính mình viết nên những trang sử bi hùng được lưu truyền cho tới tận ngày nay
Và CÔN ĐẢO – chính là nơi lưu giữ những chứng tích quý báu và thiêng liêng đến nao lòng như thế!

Đặt chân tới sân bay Côn Đảo, cảm giác đầu tiên chính là sự khô cằn và nắng cháy đến rát da thịt. Thế nhưng, một điều kì lạ chính là cỏ cây hoa lá ở nơi đây lại đẹp tuyệt vời và đầy màu sắc


Hoa giấy, hoa đào tràn ngập những con đường, nước biển xanh ngắt màu ngọc bích không chút vẩn đục

Một vùng đất linh thiêng hùng vĩ, tuy cằn cỗi nắng cháy nhưng ẩn sâu bên dưới là xương máu của biết bao nhiêu con người, có lẽ đó là lí do khiến nơi đây ngập tràn nhựa sống, nên thơ hơn bất cứ nơi đâu

REVIEW CHI TIẾT CHUYẾN ĐI CÔN ĐẢO!

Thời Gian:
Mình chọn đến Côn Đảo vào những ngày đầu tháng 3, sau khi tìm hiểu rất kĩ thông tin trên google về thời tiết và được biết rằng thời điểm thuận lợi nhất để đi Côn Đảo là từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, đây là khoảng thời gian cuối mùa gió chướng nên sẽ rất thuận lợi về thời tiết (mọi người có thể goolge mùa gió chướng để biết rõ thông tin về mức độ nguy hiểm của loại gió này nha)

Phương tiện đến Côn Đảo: MÁY BAY

  • Bay thẳng: Bamboo (giá vé dao động từ 5-7 triệu khứ hồi tuỳ thời điểm). Nếu may mắn có thể săn được vé giá tốt (2-4 triệu khứ hồi, nhưng cực hiếm). Thời gian bay 2h30p.
  • Bay nối chuyến: Vietnam Airline, Vietjet Air. Các hãng bay này mọi người có thể nối chuyến tại TP. HCM hoặc Cần Thơ. Giá vé dao động từ 4-6 triệu khứ hồi tuỳ thời điểm có thể cao hoặc thấp hơn. Nếu chọn nối chuyến thì đừng chọn các chuyến cách nhau quá lâu vì sẽ mất công chờ đợi.

CÁC ĐIỂM THAM QUAN và ĐI LỄ.

1. Tour nhà tù Côn Đảo: Mình thấy đây là nơi đầu tiên “bắt buộc phải đến” khi đặt chân tới Côn Đảo, để thấu hiểu rõ nhất về nơi đây và sự linh thiêng của vùng đất này.


Vé vào cổng 50k/người, hãy chọn giờ có thuyết minh để đi theo và lắng nghe các câu chuyện về lịch sử Côn Đảo (từ 14h đến 16h30 cứ 30 phút sẽ có 1 thuyết minh viên). Bắt đầu tour sẽ đi từ Bảo tàng Côn Đảo – di tích nhà Chúa Đảo – Trại giam Phú Hải – Trại giam Phú Tường – Trại giam Phú Bình.

2. Nghĩa trang Hàng Keo: Là nghĩa trang đầu tiên bạn sẽ gặp trên đường từ sân bay về tới thị trấn. Nằm sát biển. Xung quanh nghĩa trang có trồng các hàng cây keo nên từ đó nghĩa trang có tên là Nghĩa Trang Hàng Keo, đây là một trong hai nghĩa trang nổi tiếng nhất ở Côn Đảo được thực dân pháp xây dựng trên khu đất 80.0000 m2 và là nơi an nghỉ của khoảng 10.000 tù nhân chính trị yêu nước.

3. Nghĩa trang Hàng Dương:

  • Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo là một “di tích căm thù”, có giá trị tố cáo chế độ thực dân, đế quốc Pháp và Mỹ, đồng thời giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Có hơn 2000 ngôi mộ nằm tại đây, nhưng hầu hết là khuyết danh, chỉ có khoảng 30% là có tên tuổi năm sinh của các liệt sĩ. Do đó Nghĩa Trang Hàng Dương khác hẳn với các nghĩa trang liệt sỹ có trong nước Việt Nam, đặt chân tới đây mọi người sẽ cảm nhận được ngay sự linh thiêng bởi sự hi sinh quá lớn của các anh hùng liệt sĩ, đó là bằng chứng hùng hồn về tội ác của đế quốc, thực dân đối với dân tộc ta.
  • Nghĩa trang Hàng Dương rộng 190.000m2, gồm 3 khu: khu A, khu B và khu C. Nơi đây ngoài hàng ngàn mộ liệt sĩ thì tiêu biểu có mộ của liệt sĩ cách mạng Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, nữ anh hùng Võ Thị Sáu, anh hùng Cao Văn Ngọc… là những điểm lễ quan trọng tại nghĩa trang Hàng Dương.

4. Cầu Tầu 914: di tích lịch sử, hơn 914 liệt sĩ đã hi sinh trong quá trình xây dựng cầu tàu này, nhưng thực tế con số lớn hơn như vậy rất nhiều.

5. Bãi Đầm Trầu: Bãi tắm gần sân bay, rất đẹp.

6. Bãi Suối Nóng: ít người biết nên còn rất hoang sơ, nếu có thời gian ở lại lâu hãy thuê xe máy khám phá.

7. Hòn Bảy Cạnh: phía Đông Đảo, đây là nơi rùa biển lên đẻ trứng nhiều nhất ở Côn Đảo (tháng 7,8)

8. Mũi Cá Mập: Điểm ngắm bình minh và hoàng hôn đẹp nhất Côn Đảo.

9. Vườn Quốc Gia
10. Bãi ông Đụng

ĐI LỄ CÔ SÁU và CÁCH ĐI LỄ SAO CHO ĐÚNG?

  • CHUẨN BỊ ĐỒ LỄ: Thông thường những người chưa đi bao giờ sẽ nghĩ rằng đến Côn Đảo chủ yếu là đi viếng Cô Sáu nên chỉ chuẩn bị đồ lễ Cô, nhưng riêng với mình thì sau khi tham khảo từ những người đi trước có kinh nghiệm thì mình sẽ chuẩn bị đầy đủ các lễ sau: Lễ ở đài tưởng niệm (Xôi + thịt thái miếng, hoa quả, cờ tổ quốc, khăn rằn, mũ tai bèo) Lễ mộ cô Sáu (Xôi, Gà Luộc, Tiền vàng, Nước suối, Hoa Cúc Trắng, Nón lá, Áo dài, Gương, Lược, Bó hương) Lưu ý: Lễ cô Sáu trừ tiền vàng ra tất cả sẽ mua đồ thật hết mọi người nhé, để lễ xong mình xin cô về dùng luôn. Lễ mộ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, cụ Lê Hồng Phong (lương khô, kẹo, thuốc lá) TẤT CẢ NHỮNG ĐỒ LỄ NÀY Ở CÔN ĐẢO ĐỀU CÓ BÁN ĐẦY ĐỦ. Mọi người có thể ra chợ Côn Đảo hoặc liên hệ: 0932289889 – Đồ lễ Vạn Hạnh hoặc liên hệ trực tiếp khách sạn nơi mọi người ở để được hỗ trợ đặt lễ nha. Mình khuyên nên mua tại Côn Đảo vì cũng là một cách giúp người dân họ phát triển dịch vụ, ở lại lâu đời để gìn giữ nơi này
  • TRANG PHỤC: Đẹp nhất là Áo Dài, nếu ko mặc áo dài thì bắt buộc phải là đồ lịch sự, dài tay, không mặc váy.
  • CÁCH ĐI LỄ: Ở Côn Đảo, trình tự đi lễ cũng là điều mọi người nên lưu ý. Mỗi người sẽ có một cách đi lễ riêng nhưng mình sẽ viết trình tự đi lễ mà bản thân thấy rất hợp lý về thời gian để có được trải nghiệm tốt nhất. Mình chia ra 2 lần đi (Buổi chiều và Buổi tối). Buổi chiều sau khi đi xong tour nhà tù, mọi người đến Nghĩa trang Hàng Dương – vào đài tượng niệm trước tiên (cột cao nhất ở Hàng Dương), tại đây sẽ trình mặt báo tên với các chiến sỹ cách mạng, mọi người thắp hương đọc tên tuổi địa chỉ, xin phép được vào lễ hôm nay (lúc này chưa cần đặt lễ nha). Sau khi trình tại đài tưởng niệm, mọi người đi lần lượt từ khu A, đến khu B, khu C, và cuối cùng là khu D để lễ các ngôi mộ tiêu biểu (nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, cụ Lê Hồng Phong). Riêng tại mộ Cô Sáu, buổi chiều mọi người chỉ tiến hành lễ trình cô, không lên hương hay đặt lễ vì lễ chính sẽ diễn ra vào buổi tối. Sau khi đi hết các khu mộ, mọi người có thể về nghỉ ngơi, ăn tối, tắm rửa, chuẩn bị đồ lễ chu đáo cho buổi tối. Ngày trước nghĩa trang được mở cửa tới 24h đêm nhưng từ lúc có dịch covid thì nghĩa trang mở cửa đến 22h là đóng, vì vậy giờ đi lễ mình thấy đẹp nhất là tầm 8h tối nha. Trước khi ra mộ cô Sáu, mọi người cũng sẽ phải ra đặt lễ tại đài tưởng niệm trước, thắp hương, đọc tên tuổi, nói lời cảm tạ công ơn của các anh hùng liệt sĩ rồi sau đó mới vào lễ cô Sáu nhé. Nếu có nhiều đồ lễ, mọi người nên đến sớm để bày biện, đừng quên hoa trắng – loài hoa cô Sáu rất thích. Buổi tối tại phần mộ của cô Sáu rất đông, hãy kiên nhẫn chờ đến lượt mình vào làm lễ, tránh chen lấn, xô đẩy. Nhớ mang theo nhiều hương một chút để thắp cho các phần mộ liệt sĩ xung quanh. Lễ xong mọi người có thể xin cô gương, lược, nón lá mang về dùng. Còn áo dài mọi người mang ra nhà Ban quản lý ở cổng nghĩa trang để công đức. Thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả có thể cho các bác bảo vệ nha
  • MỘT SỐ ĐIỂM ĐI LỄ KHÁC: Ở Côn Đảo, ngoài nghĩa trang Hàng Dương là nơi rất nổi tiếng, thì còn có các điểm sau mọi người nhất định nên tới vào ngày hôm sau:
    – Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) tọa lạc trên Núi Một huyện Côn Đảo, do Mỹ ngụy xây dựng. View siêu đỉnh nhìn xuống biển, cây cối hoa lá xanh tươi, khí hậu mát mẻ. Mọi người đến đây lễ Phật, cầu sức khoẻ bình an cho gia đình, cũng như cầu cho vong hồn các anh hùng liệt sĩ mãi được siêu độ. Hãy đi ra phía sau chùa để công đức và xin thẻ may mắn nhé
    – Miếu Bà Phi Yến: Ngôi miếu rất linh thiêng, gắn liền với câu chuyện bi thương của người phụ nữ tài sắc, đức hạnh và giàu lòng yêu nước Phi Yến. Người ta truyền rằng Đức bà Phi Yến và Hoàng tử Cải (con trai bà) đã hiển thánh, thường hiện về mách bảo cho dân làng biết điềm lành, dữ sắp xảy ra. Chính vì thế mà từ ngày lập miếu, không lúc nào miếu bà Phi Yến vắng bóng người hay nguội lạnh khói hương.
    – Miếu Cậu (Hoàng Tử Cải): Nằm trên đường từ thị trấn ra Sân Bay, mọi người có thể đi thắp hương trên đường ra sân bay nhé.

ĂN GÌ Ở CÔN ĐẢO?

  • Hải sản: Tuấn Biển (chủ người bắc, người nổi tiếng hay ăn), Cây Bàng…nổi tiếng các món như cá mú đỏ, ốc vú nàng, gỏi cá mập (cá nhám), cá mó, tôm mũ ni, mực một nắng..
  • Bún Riêu Cua bà Hai Khiêm: rất ngon! Must try
  • Bánh mì Tuấn Mập: 02 vị heo quay, thập cẩm ngon nhất
  • Mứt hạt bàng

Ở ĐÂU TẠI CÔN ĐẢO?

  • Sang chảnh xịn xò: Six senses Côn Đảo (8-15triệu/đêm), The Secret Côn Đảo (3-6 triệu/đêm), Poulo Condor Boutique Resort (4-8 triệu/đêm)…
  • Vừa phải hợp túi tiền: Villa Maison Côn Đảo (900k-1,5 triệu/đêm), Tân Sơn Nhất Côn Đảo Resort (1 triệu – 1,5 triệu/đêm), Biển Xanh Côn Sơn, Song Chi Hotel (400-500k/đêm)…
  • Homestay: Uyên’s House, Pumpkin… (400-600k/đêm)…rất nhiều trong thị trấn.

DI CHUYỂN TẠI CÔN ĐẢO

  • Nếu đoàn đông, có người lớn và trẻ em, mọi người nên book xe ô tô đưa đón của khách sạn trong những ngày mình lưu trú. Côn Đảo không quá lớn nên chi phí cũng sẽ không mấy tốn kém nếu đi đoàn đông.
  • Nếu là người trẻ thích khám phá: Thuê xe máy 100k-120k/ngày. Trả xe ở đâu cũng được sẽ có người tới lấy.
  • Xe Điện có ở khắp nơi quanh thị trấn. 20k/người/cuốc. Côn Đảo không khí rất trong lành, sạch sẽ, ngồi xe điện bao phê

Hãy đến Côn Đảo để cảm nhận thiên đường trên mặt đất, nhưng đã từng là địa ngục trần gian thiêng liêng thế nào nhé và chắc chắn các bạn sẽ nhận ra: ĐƯỢC SỐNG chính là một may mắn lớn nhất, hãy luôn trân trọng và sống tốt hơn mỗi ngày!

Hi vọng bài review này sẽ có ích cho mọi người.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *