Chuyến Đi Thú Vị

Review – Cảm Nhận Tứ Đại Đỉnh Đèo

TỨ ĐẠI ĐỈNH ĐÈO

Review Tứ Đại Đỉnh Đèo

Cảm nhận về Tứ Đại Đỉnh Đèo

Chắc hẳn ai yêu xê dịch cũng nhiều lần nghe đến “Tứ Đại Đỉnh Đèo” và luôn ước ao được chinh phục nó, không những một, mà rất nhiều lần.

Được mệnh danh tứ đại đỉnh đèo: Mã Pì Lèng, Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ là những con đèo sở hữu cung đường ngoạn mục ở Việt Nam và đã trở thành huyền thoại đối với những ai đã từng đặt chân đến với mảnh vùng núi phía Bắc xa xôi này.

Đèo Khau Phạ

Đèo Khau Phạ – “Đèo Nắng”

Đèo Khau Phạ hay còn gọi là đèo Cao Phạ là con đèo dài nhất và hiểm trở nhất nằm trên quốc lộ 32. Đèo Khau Phạ dài khoảng 30km, cao hơn 1200m, nối huyện Mù Cang Chải và thung lũng Tú Lệ của huyện Văn Chấn, thuộc vùng Tây Yên Bái.

Con đèo thường mù mịt sương phủ và đỉnh đèo nhô lên trên biển mây, trong tiếng dân tộc Thái, Khau Phạ có nghĩa là “Sừng Trời”.

Đèo Khau Phạ đi qua nhiều địa danh nổi tiếng của tỉnh Yên Bái như: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Tú Lệ, Nậm Có,…

Thời gian: thời điểm lý tưởng nhất để chinh phục con đèo này là vào tháng 9 tháng 10 hàng năm, là lúc ruộng bậc thang Yên Bái bắt đầu chín vàng. Bạn cũng có thể đi vào tháng 5, tháng 6 mùa nước đổ.

Di chuyển: Từ Hà Nội, bạn đi đường Hồ Tùng Mậu vào quốc lộ 32. Tiếp tục dọc quốc lộ 32 đến huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, qua xã Tú Lệ là đến được đèo Khau Phạ.

Những trải nghiệm nên thử khi đến với Khau Phạ:

  • Chinh phục cung đèo hiểm trở
  • Ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín
  • Bay trên mùa vàng (nhảy dù trên đèo Khau Phạ)
  • Khám phá cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số

Cảm nhận của bản thân về đèo Khau Phạ:

Đèo Khau Phạ là con đèo đầu tiên trong Tứ Đại Đỉnh Đèo mình đặt chân đến, kỷ niệm với cung đèo này cũng khá nhiều. Cho đến hiện tại mình đã qua cung đèo này 2 lần, mỗi lần là một câu chuyện, một hành trình riêng biệt, hãy cũng nghe “kể lể” nhé.

– Lần thứ nhất (“Hành Trình Tây Bắc 1” tháng 7 năm 2018)
Sau khi đi Tà Xùa, mình quyết định đi tiếp lên Mù Cang Chải cho biết, vì nghe danh đã lâu rồi. Hành Trình không có tính toán gì trước nên đi dính đợt mưa bão to nhất năm ấy luôn. Rời Bắc Yên lúc chiều khi trời vẫn chưa mưa, rồi cái gì đến nó cũng phải đến, trời tối, con đường sâu hun hút như muốn nuốt chửng ánh sáng yếu ớt phát ra từ chiếc xe, những cơn mưa bất chợt, đói, rét cứ bủa vây, nhưng hành trình không thể dừng lại vì trên đường không có bất cứ chỗ ăn nghỉ nào cả. Cứ thế vượt mưa bão cuối cùng mình cũng đến được huyện Văn Chấn để nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau, trời nắng, mình chạy xe đến Tú Lệ. Quả thực cung đường này rất đẹp, bạn nhất định phải đi một lần trong đời. Dọc dường những nếp nhà người Thái xinh xắn và xa xa là những cánh đồng lúa xanh ngắt, bình yên, vắng vẻ không xô bồ như những nơi khác. Đến Tú Lệ có cánh đồng lúa tuyệt đẹp và xôi Tú Lệ thì rẻ và ngon. Sau khi ăn trưa xong, mình bắt đầu qua đèo Khau Phạ, những con đường quanh co, ôm lấy bản làng ruộng bậc thang đang độ còn xanh, đi vào tháng 10 sẽ đẹp lắm đây. Mình gọi vui đèo Khau Phạ là “Đèo Nắng”, vì đang trong đợt mưa bão mà cung đường mình đi nắng đẹp, không dính một giọt mưa nào cả.

Xét về quy mô ruộng bậc thang thì mình thấy ở Mù Cang Chải là hùng vỹ nhất, từ mâm xôi đến đế giày, những ruộng bậc thang cứ trải dài qua triền núi triền đồi ngút ngàn. Tiếc là lần ấy mình không ở lại khám phá Mù Cang Chải lâu.

– Lần thứ hai (“Hành Trình Tây Bắc 2” cuối 2018 và đầu 2019, qua đèo ngày 01/01/2019)

Số mình nó hẩm hiu sao, cả năm 2018 có hai cái hành trình thì cái dính mưa bão cái dính đợt rét đậm. Lần này sau khi rời Điện Biên, qua Lai Châu, mình về bằng đường quốc lộ 32, tức chiều ngược lại đèo Khau Phạ. Trên này chỉ có một vụ lúa thôi nên dịp cuối năm là cái mùa mình gọi là mùa “gốc rạ”, vì chẳng thấy cây lúa xanh hay vàng nào cả.

Rời thị trấn Mù Cang Chải trời đang nắng đẹp, cứ chắc mẩm trong đầu “Đúng là đèo nắng thật, lần nào đi cũng nắng ” và kết quả là lên đèo nó mưa và sương mù dày đặc cả nhà ạ, vỡ mộng luôn, nhưng vẫn ưu ái để tên là “Đèo Nắng”. Sương mù thì chẳng có gì để tả rồi, mặc dù yêu quý cung đèo này nhưng toàn thấy mình đi không đúng mùa ý, từ ấy đến giờ bận đi nhiều cung khác quá nên chưa có dịp quay lại, mong lần sau quay lại sẽ vào mùa lúa chín để đi sâu hơn Mù Cang Chải và đi nốt 2 cái tử địa (Chế Tạo và Lìm Mông) về review cho cả nhà nhé.

Đèo Ô Quy Hồ

Đèo Ô Quy Hồ – “Đèo Chớp”

Đèo Ô Quy Hồ hay đèo Hoàng Liên Sơn là đèo trên quốc lộ 4D ở vùng giáp ranh hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, trong đó 2/3 quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu; 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa, Lào Cai. Đèo cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, với đỉnh đèo cũng ở gần ranh giới giữa hai tỉnh.

Đây có lẽ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại Việt Nam, con đèo hiểm trở với chiều dài lên tới gần 50km.
Đèo Ô Quy Hồ được gọi theo tên bản Ô Quy Hồ nằm cạnh quốc lộ 4D. tương truyền ở vùng núi này, ngày trước hiện diện một loài chim có tiếng kêu da diết, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Từ đó, theo thời gian chính tiếng kêu ô quy hồ của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo hoang dại ở độ cao gần 2000m này.

Thời gian: Vẻ đẹp của đèo Ô Quý Hồ luôn luôn biến ảo: Bên phía Lào Cai thì mù sương, bên phía Lai Châu thì nắng ấm; mùa đông thì có băng tuyết, mùa hạ thường có mây bao phủ bồng bềnh. Bạn có thể đi bất cứ mùa nào trong năm.

Di chuyển:

Cách 1: Từ Hà Nội bạn đi quốc lộ 32C đến thành phố Yên Bái rồi đi quốc lộ 70 lên Lào Cai, từ Lào Cai bạn lên Sapa rồi đến đèo Ô Quy Hồ (phía bên Lào Cai).
Cách 2: Từ Hà Nội, bạn đi dọc quốc lộ 32 qua Mù Cang Chải, Tam Đường thì đến chân đèo (phía bên Lai Châu).

Những trải nghiệm nên thử khi đến với Khau Phạ:

  • Chinh phục cung đèo hiểm trở
  • Lên đỉnh đèo check in và ngắm đèo
  • Thăm quan Thác Bạc

Cảm nhận của bản thân về đèo Ô Quy Hồ:
Con đèo này mình cũng qua 2 lần:

– Lần thứ nhất: cũng trong Hành Trình Tây Bắc 1 sau khi rời Mù Cang Chải mình quyết định lên Sa Pa, chạy xe về Lai Châu khi trời đã về chiều thì đến chân đèo. Vừa đi vào đèo đã bị mấy con chó đuổi rồi, người dân vùng cao hay thả chó nguy hiểm quá. Trời tối nên lần này mình không cảm nhận gì nhiều, chỉ thấy đèo cua rất gấp và dốc, trên đầu thì sấm chớp đùng đoàng nên mình gọi là “đèo chớp”, lên đến Sapa thì mưa to luôn ướt như chuột lột, thế là chẳng đi chơi được đâu.

– Lần thứ 2 (Hành Trình Tây Bắc 3) trong hành trình lớn này mình đi cung đường thứ 1 đã kể trên, lần này thì không mưa bão gì rồi, nắng đẹp. Mục đích chính là đi Y Tý và cực Tây A Pa Chải, thế nên rời Sapa đi một đoạn Ô Quy Hồ là mình đã rẽ để đi vào Y Tý rồi, hôm sau từ Mường Hum vòng ra mới chính thức đi qua đèo. Lần này được chiêm ngưỡng con đèo một cách trọn vẹn, cung đường rất đẹp, nhất là đứng từ trên đỉnh đèo ngắm xuống thật hùng vỹ, thêm tách trà và bồng bềnh mây trôi nữa thì tuyệt vời, xứng danh là đệ nhất đèo Việt Nam. Điểm cộng mà mình yêu thích ở đây là quán nước trên đỉnh đèo, vào chụp ảnh rồi uống nước chè, lúc đi trả tiền mà họ không lấy.

Đèo Pha Đin

Đèo Pha Đin – “Đèo Sương”

Đèo Pha Đin hay Dốc Pha Đin là đèo núi trên quốc lộ 6 ở ranh giới xã Phổng Lái, Thuận Châu, Sơn La và xã Tỏa Tình, Tuần Giáo, Điện Biên.
Đèo có độ dài 32 km, nằm ở độ cao hơn 1000m. Điểm khởi đầu của đèo cách Thành phố Sơn La về phía Tây 66 km còn điểm cuối của đèo cách Thành phố Điện Biên Phủ khoảng 84km.

Tên gọi đèo Pha Đin xuất phát từ tiếng Thái, trong đó Pha nghĩa là “Trời”, Đin là “Đất” hàm nghĩa nơi đây là chỗ nơi đất trời gặp nhau.
Người Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) và Sơn La từ xa xưa còn lưu truyền câu chuyện kể về cuộc bàn thảo tìm cách vạch định ranh giới của hai địa phương bằng một cuộc đua ngựa vượt dốc Pha Đin. Người và ngựa của cả hai phía đều đồng thời xuất phát từ hai dốc đèo. Hai dũng sĩ và hai con tuấn mã đều có sức mạnh và ý chí như nhau nên khoảng cách mà họ đi được cho tới địa điểm gặp nhau trên đèo không chênh lệch bao nhiêu. Tuy vậy, phần ngựa Lai Châu phi nhanh hơn nên phần đèo thuộc về Lai Châu dài hơn một chút so với phần phía Sơn La.

Thời gian: Thời tiết ở Pha Đin dễ chịu, mát mẻ vào mùa hè với những dải sương vương lại sau đêm dài, khác xa so với cái nóng cháy oi bức phố thị đồng bằng. Mùa đông, nhiệt độ xuống thấp đủ để bạn cảm nhận cái tê buốt đặc trưng vùng núi cao. Bạn nên đi Pha Đin vào mùa xuân khi đó hoa rừng Tây Bắc đua nhau khoe sắc thắm, màu trắng của hoa mơ hoa mận, màu hồng đỏ của hoa đào và màu hồng phai của hoa ban khắp các triền núi vẽ nên bức tranh thơ mộng.

Di chuyển:
Từ Hà Nội bạn đi đại lộ Thăng Long vào quộc lộ 6 đến thành phố Hòa Bình rồi tiếp tục đi quốc lộ 6 lên Mai Châu, Mộc Châu, Sơn La, Thuận Châu rồi qua đèo Pha Đin sang Tuần Giáo, Điện Biên.

Những trải nghiệm nên thử khi đến với Pha Đin:

  • Chinh phục cung đèo hiểm trở
  • Lên đỉnh đèo check in và ngắm đèo
  • Check in bia di tích đèo Pha Đin gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy:
    “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
    Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
    Dù bom đạn xương tan thịt nát
    Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh.”
    Trích Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu
  • Check in Pha Đin Pass

Cảm nhận của bản thân về đèo:
Con đèo thứ 3 mình đặt chân tới này cũng qua 2 lần:

– Lần thứ nhất (Hành Trình Tây Bắc 2, trước khi qua Khau Phạ), hành trình này mình dọc quốc lộ 6, quốc lộ 12 và quốc lộ 32, lần đầu đi một cung đường xa như vậy nên thực sự phấn khích, tuy rét đậm tê người. Sáng hôm ấy mình từ Mộc Châu lên Sơn La, đến đèo Pha Đin thì sương mù dày đặc, cứ thế đi thôi chỉ biết đèo này dốc và cua rất gấp, thoát được khỏi lớp sương mù thì cũng đã về chiều, sau khi nghỉ ngơi và check in đoạn gần cuối đèo lại đi tiếp đến đèo Tằng Quái để lên Điện Biên Phủ, trời tối, sương mù, mưa bão to, lại còn rét nữa, trú mưa tại cái nhà giữa đèo mà co ro, may còn có đống lửa để sưởi ý. Đợi mãi mưa không ngớt đành cố đi tiếp

– Lần thứ hai (Hành Trình Tây Bắc 3) sau khi check cực Tây A Pa Chải mình chạy về Mường Chà nghỉ, ngày hôm sau đến Điện Biên Phủ rồi qua Pha Đin. Trời nắng đẹp, lạ thật 3 con đèo vừa kể cứ đi một chiều về một chiều và thời tiết mỗi lần đều khác nhau. Lần này cung đèo hiện ra rất đẹp, ngập tràn nắng, mình có ghé vào Pha Đin Pass để sống ảo, nhiều góc chụp ảnh lắm. Có lẽ đây là con đèo mà mình yêu thích nhất, vì nó gắn với nhiều kỉ niệm, mong sẽ quay lại Điện Biên nhiều lần nữa.

Đèo Mã Pì Lèng

Đèo Mã Pì Lèng

Đèo Mã Pí Lèng hay đèo Mã Pì Lèng (theo âm tiếng H’Mông là Mả Pí Lèng, còn đọc là Mã Pỉ Lèng), là đèo trên quốc lộ 4C ở vùng đất xã Pải Lủng và Pả Vi huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang. Quốc lộ 4C là con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang với thị trấn Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc thuộc Cao nguyên Đồng Văn. Đèo Mã Pí Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km, vượt núi Mã Pí Lèng ở sườn phía đông với độ cao vùng đỉnh đèo khoảng 1.200 – 1.400 m. Đường Hạnh Phúc được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng.
Đèo được đặt tên theo bản Mả Pì Lèng xã Pải Lủng khi mở đường hồi những năm 1960, trong đó giới chức quản lý cung đường đã sửa đổi “Mả” thành “Mã” để thuận nghe nói trong tiếng phổ thông.

Mả Pí Lèng (馬鼻梁) là tên gọi theo tiếng H’Mông, chỉ sống mũi con ngựa. Có ý kiến gán nghĩa bóng cho tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa
Tuyến đường “Hạnh phúc” với cung đèo này đạt nhiều kỷ lục nhất trong lịch sử làm đường ở nước ta. Thi công gian khổ nhất, vượt qua vùng núi đá cao nhất, thời gian thi công lâu nhất. Với trên 2 triệu ngày công, đục khoét gần 3 triệu mét khối đá, không có sự hỗ trợ của máy móc, chỉ lao động thủ công với công cụ thô sơ: cuốc, thuổng, búa, xà beng… trong sự quấy nhiễu của thổ phỉ và thiếu thốn mọi mặt về vật chất, nhưng đã thành công vang dội.

Thời gian: Bạn có thể phượt đèo Mã Pí Lèng vào bất kỳ thời điểm nào trong năm vì mảnh đất Đông Bắc này luôn đẹp và cực kỳ nên thơ. Ngoài ra bạn có thể đi vào mùa xuân (hoa mận hoa đào nở), tháng 4 (chợ tình Khâu Vai), tháng 10, 11 (hoa tam giác mạch),…

Di chuyển:
Tuyến đường mình hay đi: Từ Hà Nội bạn đi qua cầu Nhật Tân, đến sân bay Nội Bài, bạn đi tiếp hướng về Vĩnh Yên rồi rẽ vào hồ Đại Lải, từ hồ bạn rẽ trái vào đường Hợp Châu – Đồng Tĩnh, đi kịch đường rẽ phải là vào quốc lộ 2C, tiếp tục đi dọc quốc lộ lên Tuyên Quang, từ Tuyên Quang đi quốc lộ 2 là đến Hà Giang, bạn đi dọc quốc lộ 4C qua Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn là sẽ đến Mã Pì Lèng.

Những trải nghiệm nên thử khi đến với Mã Pì Lèng:

  • Chinh phục cung đèo hiểm trở
  • Lên đỉnh đèo check in và ngắm sông Nho Quê
  • Đi thuyền dọc sông Nho Quế, qua hẻm Tu Sản

Cảm nhận của bản thân về đèo Mã Pì Lèng:

Con đèo cuối cùng mình đặt chân tới là con đèo duy nhất nằm bên Đông Bắc thuộc Tứ Đại Đỉnh Đèo, con đèo này thì không có duyên nhiều lắm nên 4 lần đi Hà Giang nhưng chỉ qua đúng một lần. Lần vừa rồi đáng lẽ sẽ qua mà lại không qua, từ Mèo Vạc về Mậu Duệ, Yên Minh luôn.

Người ta nói đi Hà Giang mà chưa qua Mã Pì Lèng thì chưa đi Hà Giang cũng đúng, vì ở đây cảnh đẹp nhất. Lần ấy mình đi trong Hành Trình Đông Bắc 1 (06/2019). Cung đèo này thì tuyệt đẹp rồi, núi đá dựng đứng hùng vỹ, đá tai mèo nhọn hoắt đặc trưng của cao nguyên đá, cùng dòng sông Nho Quế xanh ngọc bích uốn lượn phía dưới hẻm Tu Sản, rất tiếc là mình không đi đúng mùa tam giác mạch nên chưa thấy hết vẻ đẹp của Hà Giang.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *