Địa điểm Checkin

Review 02 Ngày “Vượt Biên” Tại Cửa Khẩu Đông Hưng – Trung Quốc.

Review 02 Ngày “Vượt Biên” Tại Cửa Khẩu Đông Hưng – Trung Quốc.

Giới thiệu khái lược về Đông Hưng. Là một huyện cấp thị thuộc Phòng Thanh Cảng của Quảng Tây. Nằm ở phía Tây Nam lãnh thổ Trung Quốc, tiếp giáp với cửa khẩu Móng Cái của Việt Nam. Giữa hai vùng lãnh thổ được phân chia bởi con sông nhỏ mang tên Ka Long( người Trung Quốc thì gọi là sông Bắc Luân). Thương mại của Đông Hưng rất phát triển. Đông Hưng được hình thành vào đời nhà Minh và phát triển đi lên vào đời nhà Thanh, đến nay đã có hơn 400 năm lịch sử. Vào thập kỷ 40 thế kỷ trước, Đông Hưng trở thành cửa khẩu thông thương giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Bởi quy mô tương đương cỡ thành phố tại Việt Nam nên người Việt thường gọi nơi này là thành phố Đông Hưng.

Tới Đông Hưng bằng cách nào? Câu hỏi này đơn giản hơn bạn nghĩ. Từ bến xe Mỹ Đình mình mua vé xe Ka Long chạy tuyến Hà Nội – Móng Cái (giá 200k/ chiều), Xe giường nằm nhưng giường khá nhỏ nên hơi mỏi và ngủ không thoải mái cho lắm. Giờ xe chạy chiều Hà Nội – Móng Cái vào khoảng 21h hoặc 23h tuỳ từng ngày. Chiều ngược lại thường cố định vào khoảng 21h – 21h30. Theo mình bạn nên gọi điện cho nhà xe check giờ xe chạy và đặt trước để có chỗ tốt, nếu không đặt trước dễ có nguy cơ nằm sàn xe. Đường êm, xe chạy có nghỉ giữa chặng, khoảng 7h sáng xe có mặt tại bến xe Móng Cái. Từ bến xe tới cửa khẩu khoảng 2km, bạn có thể đi bộ hoặc bắt taxi.

Tới cửa khẩu, công việc tiếp theo là làm giấy thông hành (không cần hộ chiếu, cũng không cần xin thị thực). Có khá nhiều dịch vụ làm giấy thông hành và đổi tiền để bạn lựa chọn. Nhóm mình làm qua dịch vụ của chị An (số ĐT 0966383833 – 26 Đoàn Kết – Trần Phú – Móng Cái). Trước ngày đi, bạn nên gửi trước thông tin cho chị An. Thủ tục khá đơn giản, chỉ cần ảnh chụp chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước, ảnh chân dung nền trắng và không bị che tai. (lưu ý nếu Chứng minh của bạn bị mờ số thì nên đem theo hộ chiếu gốc để đối chiếu). Hơn 7h sáng nhóm mình tới gặp chị An, xuất trình CMND, thẻ căn cước gốc rồi cùng chị lên đồn Công An Móng Cái trình diện và ký tên. Khoảng 9h30 thì có sổ. Sổ thông hành bạn có thể sử dụng 1 năm, đi lại nhiều lần và mỗi lần được lưu trú không quá 3 ngày, nếu muốn lưu trú tiếp bạn chỉ cần qua cửa khẩu và nhập cảnh trở lại. Cửa khẩu sẽ đóng cửa vào khoảng 20h Trung Quốc tương đương 19h bên Việt Nam. Bạn nên lưu ý khung giờ này để xuất cảnh cho kịp. Trong thời gian chờ đợi bạn nên tranh thủ đổi tiền luôn, nên đổi ngay tại chỗ làm số thông hành sẽ có tỉ giá tốt hơn (nhóm mình đổi tỉ giá 3380 khi đi và khi về đổi lại tiền thừa tỉ giá 3280).

Có giấy thông hành, nhóm mình qua cửa khẩu Móng Cái đóng dấu xuất cảnh rồi qua cửa khẩu Đông Hưng lấy vân tay tự động tại máy tự động rồi xếp hành nhập cảnh. Chắc do cuối tuần nên lượng người nhập cảnh khá đông (thực ra thì ngày thường cũng rất đông rồi). Sau khoảng 1 tiếng rưỡi thì nhóm mình cũng nhập cảnh xong. Nếu hải quan có gọi bạn vào phòng kín phỏng vấn thì hãy cứ bình tĩnh, không cần quá lo lắng nhé. Có thể bạn trùng tên với một người trong black list nào đó của họ, nhưng họ hỏi sao thì cứ bình tĩnh trả lời sau một hồi thì sẽ được nhập cảnh thôi (nhóm mình có 2 bạn bị hỏi nhưng rồi cũng qua khỏi cửa ải nên mọi người yên tâm nhé). Sẵn nói về chuyện hải quan Trung Quốc. Cá nhân mình thấy thái độ của họ với người Việt có phần thiếu lịch sự. Cũng như nhập cảnh các nước khác, mình đưa hai tay cuốn sổ thông hành để họ đóng dấu, vậy mà mình nhận lại cuốn sổ thông hành bằng một cái quăng của nhân viên hải quan. Không phải chỉ riêng bản thân mình mà tình trạng này diễn ra phổ biến với nhiều người Việt khác. Có lẽ một phần vì lượng người qua cửa khẩu ngày nào cũng rất đông và đa số là dân lao động. Họ qua làm việc và cũng có khá nhiều trường hợp ở lại bất hợp pháp. Và cũng có thể do nhiều nguyên do khác nữa. Mình nói ra điều này để mọi người chuẩn bị tâm lí trước kẻo hơi “sốc”. Câu chuyện buồn có lẽ nên dừng ở đây thôi.

Qua được cửa khẩu, đã thực sự đặt chân tới nước bạn. Mình có quỹ thời gian gần 2 ngày để khám phá. Lúc này khoảng gần 12h trưa nhóm mình đi bộ tới khách sạn check in. Khách sạn mình ở tên tiếng việt là: Khách Sạn Thương Mại Phú Hoa – địa chỉ 100 đường giáo dục TP Đông Hưng).

Ưu điểm của khách sạn:

– Được check in sớm, check out muộn 9 nhóm mình được nhận phòng từ 12h trưa hôm trước và trả phòng lúc 14h chiều hôm sau)

– Lễ tân nói được một chút tiếng Việt.

– Khách sạn ở khu trung tâm nên tiện đị bộ ăn uống, mua sắm

– Đối diện khách sạn có một con hẻm rất Hàn Quốc, chụp ảnh siêu ngầu.

– Điểm cộng quan trọng là nhà vệ sinh không phải ngồi xổm (điều này khá kinh hoàng khi tới Trung Quốc. Phần lớn nhà vệ sinh công cộng đều không có giấy và vòi xịt nên bạn nhớ mang theo giấy phòng trường hợp khẩn cấp nhé)

Bạn nên đặt qua chị An sẽ thuận lợi hơn nhé. Chị An sẽ soạn một đoạn văn bản bằng tiếng Trung, tới khách sạn bạn chỉ việc đưa cho lễ tân đọc để check in. (Mình không phải đang PR gì đâu nhé, có một số khách sạn Trung Quốc không nhận người Việt nên mọi người cần lưu tâm vấn đề này).

Một điểm nữa rất đáng lưu ý khi đó là vấn đề sim, sóng, 4G. Do gần biên giới nên qua Đông Hưng mình vẫn có thể bắt được sóng điện thoại và 4G nhưng khá chập chờn. Khi dùng Wifi của nhà hàng, khách sạn thì bạn cần cài thêm app VPN để vào các ứng dụng mạng xã hội… Do Trung Quốc nhanh hơn Việt Nam 01 múi giờ và sóng sánh không ổn định nên điện thoại thường bị nhảy giờ liên tục.

Về di chuyển tại Đông Hưng: phần lớn các địa điểm gần nhau nên chủ yếu nhóm mình đi bộ. Một số địa điểm hơi xa như tháp Vạn Xương, công viên hữu nghị, chùa Vạn Chủng, phố Tây thì nhóm mình thuê xe 9 kiểu dạng xe lam – chở được 10 người) giá từ 10- 15 tệ. Muốn tới địa điểm nào bạn chỉ việc cho lái xe xem ảnh, họ sẽ dẫn bạn tới. Xe ôm tại Đông Hưng cũng khá nhiều, xe nào cũng có mái che và phần lớn họ không đội mũ bảo hiểm giá 5 tệ.

Cảm nhận về con người tại Đông Hưng: Mình không biết tiếng Trung cũng chưa tiếp xúc nhiều nên chưa thể cảm nhận được nhiều. Một điểm cộng là nhiều người có thể nói được tiếng Việt.

Điểm trừ: đôi khi thấy họ khá ồn ào và lộn xộn khi xếp hàng thanh toán (có lẽ không có khái niệm xếp hàng tại nơi này)

Nhận phòng và nghỉ ngơi đến khoảng 2h chiều, nhóm mình bắt đầu công cuộc khám phá Đông Hưng. Thực chất thì nơi này chỉ là một khu vực cửa khẩu, giao lưu thông thương giữa 2 quốc gia chứ không phải địa điểm du lịch nên mình sẽ không nói chi tiết từng địa điểm trong chuyến đi. Mình sẽ kể tên những nơi mình tới, những món mình ăn và những trải nghiệm trong suốt 2 ngày tại Đông Hưng.

Những điểm đến tại Đông Hưng:

– Khu Phố Eon Sang Jin: là khu phố trung tâm với vô số hàng quán, cửa hiệu.

– Siêu thị Bách Hội: Không được lớn và mới cho lắm nhưng có khá nhiều thứ hay ho. (vô đây có cơ số xúc xích ngô và bánh sữa chua với giá yêu thương)

– Siêu thị Xinrunfa: Siêu thị lớn nhất Đông Hưng

– Chợ buôn Vạn Chúng: khá giống chợ Đồng Xuân, là sự giao thoa các mặt hàng của Trung Quốc và Việt Nam.

– Phố King: đầu con phố là tiệm đậu hũ thúi nồng nàn, đi sâu vào bên trong có tiệm trà sữa khá ngon. Chụp ảnh nơi này ngày hay đêm đều đẹp.

– Khu Phố Màu: nói là phố nhưng thực chất là một vài căn nhà màu sắc nằm ngay phía sau chợ buôn Vạn Chúng, bạn có thể qua khu phố để check in cột mốc 1368 và ngắm dòng sông Ka Long.

– Tháp Vạn Xương, chùa Vạn Chủng và công viên hữu nghị Việt Trung: 3 địa điểm liền sát nhau, cách trung tâm không quá xa, bạn có thể bắt xe ôm để tới đây.

– Phố Tây: khác hẳn với Bùi Viện ở Sài Gòn hay Khao San ở Bangkok luôn ồn ào về đêm. Khu phố này yên ắng, im lìm đêm cũng như ngày, với nhiều quán bar bỏ hoang đã lâu. Bù lại thì nơi này có những dãy nhà theo lối kiến trúc cổ điển Châu Âu để bộ ảnh Đông Hưng của bạn thêm sắc màu.

Về cơ bản thì những địa điểm này khá gần nhau nên bạn có thể đi theo trình tự thế nào cũng được.

Một số trải nghiệm ẩm thực tại Đông Hưng:

– Ăn đậu phụ thúi tại phố King

– Uống trà sữa nướng Yi He Kao Nai

– Ăn mỳ cay siêu to khổng lồ

– Ăn sáng với bánh quẩy siêu to, sữa đậu nành và màn thầu.

– Mua bánh chuối tại Yolo (ngon hơn nhiều so với bánh chuối của Thái Lan, tiếc là bánh chỉ có hạn dùng một ngày)

– Mua xúc xích ngô, bánh sữa chua tại siêu thị Bách Hội.

– Chiến đấu tới miếng cuối cùng tại gà rán DO&ME (hương vị vượt xa KFC luôn, mới nhắc tới là lại thấy thèm rồi)

– Thưởng thức chè dưỡng nhan, tào phớ tại một con hẻm trên khu phố Eon Sang Jin (mình quên mất tên)

– Ăn Dim Sum tại quán gì gì đó gần phố King (tên tiếng Trung nên mình không đọc nổi)

Đó là một số trải nghiệm lần đầu chạm tới cửa ngõ nước bạn của một thanh niên đã đi mòn lối tại China Town của các quốc gia châu Á, đã xem nhiều bộ phim hoa ngữ nhưng nay mới được mắt thấy tay sờ vào “China” xịn. Nói có vẻ hơi phèn, hơi quê nhưng có lẽ Trung Quốc đại lục vẫn là một mảnh đất đầy thú vị đang chờ tôi khám phá trong những chuyến đi tương lai. Suýt quên, một điều tuyệt vời hơn nữa, tổng thiệt hại của chuyến xuất ngoại lần này rẻ đến bất ngờ, có thể nói là rẻ nhất từ trước tới giờ của mình. Tổng các loại chi phí ăn ở, đi lại, mua sắm cho chuyến đi mình hết khoảng 2tr. Bạn không hề đọc nhầm đâu, là thật đó. Nếu vẫn còn hoài nghi hãy thử vượt biên như mình để kiểm chứng nhé. Công tâm mà nói thì Đông Hưng không đẹp, không thần thánh như Lệ Giang hay Phượng Hoàng Cổ Trấn. Nhưng nơi này ít nhiều vẫn mang đúng chất “Trung Hoa” để bạn đổi gió dịp cuối tuần.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *