Mẹo Du Lịch

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ TIỀN ĐI DU LỊCH?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ TIỀN ĐI DU LỊCH?

3 BƯỚC TIẾT KIỆM TIỀN ĐỂ ĐI DU LỊCH

20 BÍ QUYẾT DU LỊCH GIÁ RẺ

Tiền là một vấn đề rất quan trọng mà bất cứ ai cũng phải nghĩ đến, thậm chí là lo lắng trước mỗi chuyến đi. Muốn đi du lịch thì phải có tiền, không cần nhiều, nhưng những chi phí tối thiểu như ăn, nghỉ, di chuyển bạn nhất định phải có. Vậy làm sao để có tiền? Ít tiền có đi du lịch được không? Và cách cân bằng chi phí khi đi xa? Tất cả sẽ được Trung làm rõ trong bài viết này nhé

I. Làm thế nào để có tiền đi du lịch?

Để có tiền đi du lịch việc đầu tiên bạn phải kiếm được tiền, tiền ít hay nhiều vẫn đi du lịch được, nhưng bạn phải có tiền trước đã. Với những bạn/anh chị đã có công ăn việc làm và thu nhập ổn định thì việc thỉnh thoảng có những chuyến đi du lịch chắc chắn không hề khó. Còn với học sinh/sinh viên thì sao? Và làm sao để đi làm mà vẫn có nhiều cơ hội đi du lịch?

Dưới đây mình sẽ chia sẻ một vài cách để có tiền đi du lịch và có nhiều cơ hội đi du lịch (chỉ mang tính tham khảo):

Đi làm/làm thêm (làm thuê): sẽ thật tuyệt vời nếu bạn tự thưởng cho mình một chuyến du lịch bằng chính đồng tiền bản thân làm ra sau những tháng ngày lao động chăm chỉ.
Kinh doanh: mình thấy rất nhiều bạn trên Facebook kinh doanh online đủ loại mặt hàng từ ăn uống đến quần áo, hãy tận dụng mạng xã hội và các mối quan hệ để kiếm tiền đi du lịch. Mình khuyên bạn nên kinh doanh phù hợp với sở thích nhé.
Theo học hay làm những nghề hay được đi nhiều, liên quan đến du lịch, khảo sát thị trường, nhà đất,…
Làm cộng tác viên báo chí: bạn thích đi và có khả năng viết lách thì đây là một lựa chọn không thể bỏ qua nhé.
Tích góp tiền người thân cho, tiền lì xì, tiền thưởng, tiền hoa hồng,…
Xin tài trợ: với những bạn hay đi du lịch hoặc người nổi tiếng có thể xin các hãng du lịch, khách sạn, nhà hàng, quán ăn,… tài trợ bằng cách viết bài review, blog cảm nhận, làm vlog quảng cáo cho họ.
Nếu bạn làm cho công ty, hãy phấn đấu làm việc thật tốt, giao tiếp, ngoại ngữ tốt để được cử đi công tác, cũng là một hình thức để được đi du lịch.
Dẫn tour/leader/hướng dẫn viên: vừa được đi du lịch vừa có thể kiếm tiền thì tại sao không. Nhưng không hề dễ dàng đâu nhé, ví dụ dẫn tour, leader ngoài tay lái tốt, cần dày dặn kinh nghiệm, hướng dẫn viên cần hoạt ngôn và giỏi ngoại ngữ (đối với khách nước ngoài)…Bạn nên chuẩn bị những hành trang thật tốt nhé.

II. 3 bước tiết kiệm tiền để đi du lịch

Dưới đây là 3 bước chính, bạn cần thực hiện để chuẩn bị chi phí thật tốt trước mỗi chuyến đi. (Cách tiết kiệm triệt để hơn mình sẽ trình bày trong bài viết khác nhé)

Bước 1: Đặt ra mục tiêu: điều quan trọng nhất, đầu tiên là đặt ra mục tiêu và bám sát nó. Bạn cần xác định mình sẽ đi đâu, khoảng chi phí (kể cả phí phát sinh) để có thể bắt đầu để dành tiền hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng hoặc bất cứ khi nào bạn có vài tờ tiền lẻ, hãy bỏ nó vào quỹ du lịch. Bạn để dành được càng nhiều thì chuyến đi của bạn sẽ càng thoải mái và linh hoạt hơn. Việc này đòi hỏi tính trách nhiệm cao, bạn phải tự hứa với bản thân sẽ không đụng vào số tiền này thì bạn sẽ đạt được mục tiêu sớm hơn.

Bước 2: Giảm chi tiêu: để có tiền tiết kiệm bạn cần hạ bớt nhu cầu của bản thân bằng cách giảm các khoản chi tiêu không cần thiết khác, ví dụ tiền mua sắm quần áo, ăn vặt, xem phim,…Ví dụ: Thay vì ăn bên ngoài bạn có thể tự nấu ăn tại nhà. Với khoảng cách gần, thay vì đi xe máy bạn có thể đi bộ, đi xe đạp,…

Bước 3: Kiếm việc làm thêm ngoài giờ: nếu bạn không thể cắt giảm chi phí thêm nữa, cần cân nhắc về việc tăng thu nhập bằng cách kiếm việc làm thêm trong lúc rảnh: bán hàng online, viết lách, thiết kế, làm đồ handmade, xe ôm công nghệ, ship hàng,…

III. 20 bí quyết đi du lịch giá rẻ

Với kinh nghiệm của bản thân mình, 3 thứ tốn nhiều chi phí cho chuyến đi nhất là di chuyển, ăn uống và chỗ ở. Nếu biết cân đo đong đếm các chi phí này bằng cách vận dụng “20 bí quyết du lịch giá rẻ”, bạn đã tiết kiệm được kha khá rồi đấy!

Trước khi đi:

  1. Săn khuyến mãi: bạn muốn cắt giảm chi phí cho chuyến du lịch ư? Hãy bắt đầu bằng việc săn khuyến mãi. Săn vé máy bay giá rẻ, phòng giá rẻ, tour giá ưu đãi, nhiều khu du lịch thỉnh thoảng giảm giá hoặc miễn phí vé vào nữa,…Các chương trình khuyến mãi thường được đưa ra trước đó khá lâu, từ vài tháng đến nửa năm, vì vậy bạn cần “canh” từ rất sớm nhé. Hãy chọn chuyến bay vào sáng sớm hoặc đêm khuya để có giá bay rẻ nhất. Các nhà hàng cũng rất ưa chuộng khuyến mãi vào thời điểm sáng hoặc trưa.
  2. Tránh đi vào các dịp lễ, tết, cuối tuần: vào các dịp lễ, tết, cuối tuần giá dịch vụ, đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi tăng một cách vô lý, gấp 2 gấp 3 lần mà chưa chắc bạn đã được hưởng dịch vụ tốt. Để không phải trả những loại phí này, hãy đi du lịch vào ngày thường, khi các nhà nghỉ, khách sạn thừa chỗ, vé máy bay, tàu hỏa siêu rẻ. Đặc biệt, điểm đến sẽ rất vắng vẻ và bạn sẽ có một kỳ nghỉ trọn vẹn, yên tĩnh, đúng nghĩa. (Mình toàn đi trong tuần hoặc trước dịp lễ, lúc nào cũng vắng vẻ, đi như thế mới thích chứ).
  3. Đi du lịch trái mùa: Hãy giảm chi phí cho chuyến đi của bạn bằng cách bỏ qua những điểm du lịch đang mùa đông khách. Ví dụ, hãy thử đi biển vào một thời điểm khác không phải là mùa hè. Bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên, trong lành của biển thay vì chen chúc toàn người người. Đi du lịch trái mùa cũng giúp bạn tiết kiệm được kha khá tiền vì giá dịch vụ vào thời điểm trái mùa bao giờ cũng rẻ hơn và khách cũng được ưu ái hơn.
  4. Tìm hiểu trước về nơi bạn sắp đến, giá vé, khoảng cách,…Liệt kê các địa điểm bạn cần đến để sắp xếp các điểm gần nhau theo thứ tự để đi nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.

Hình thức đi:

  1. Đi đông theo nhóm bạn, theo gia đình sẽ giúp giảm chi phí ăn, nghỉ, đi lại,…Đi càng đông thì chi phí chia đầu người ra sẽ càng rẻ, đôi khi có những khoản bạn sẽ được người khác mời. Nhưng càng đông thì càng phức tạp, khó quản lý và sẽ ít linh hoạt nhé.
  2. Đi đến nơi có người quen, bạn bè bạn có thể sẽ được tư vấn và giúp đỡ việc ăn nghỉ.
  3. Đi du lịch tự túc nhiều sẽ rẻ hơn là đi theo tour. Tránh xa môi giới, hãy mua vé, đặt phòng trực tiếp. Trước khi mua tour hãy tìm hiểu qua giá vé và khách sạn để chắc chắn rằng bạn không phải trả quá nhiều tiền.
  4. Đi tình nguyện: đây là một hình thức vừa tiết kiệm chi phí, vừa có thêm trải nghiệm lại còn giúp đỡ được những người gặp khó khăn. Đối với sinh viên có thể tham gia công tác đoàn, đi tình nguyện mùa hè xanh.
  5. Đi gần: nếu trong ví bạn không đủ tiền cho một chuyến đi xa, đừng lo, vì mình tin chắc rằng ở gần nhà bạn (bán kính 50km) cũng nhiều địa điểm thú vị để khám phá đấy nhé, nhờ chị Google thôi nào. Không những tiết kiệm tiền di chuyển, mà còn có thể tiết kiệm cả tiền nghỉ nữa vì bạn dễ dàng đi trong ngày. Phạm vi rộng hơn, thay vì du lịch nước ngoài thì du lịch Việt Nam cũng có nhiều điểm đến thật tuyệt vời đấy.
  6. Đi các điểm thăm quan giá rẻ. Thay vì đến các khu du lịch bạn có thể chọn những nơi hoang sơ, bản làng, rừng núi, vùng ngoại ô, đền chùa di tích lịch sử,…không mất phí (những nơi không mất phí thường sẽ không có người dọn vệ sinh nên các bạn nhớ giữ gìn cảnh quan, không vứt rác bừa bãi nhé). Nếu bạn là học sinh, sinh viên đừng quên sử dụng thẻ để được giảm giá tại một số địa điểm thăm quan nhé (mình đi VQG Ba Vì giá vào 40k có thẻ sinh viên còn 20k)
  7. Cân nhắc về phương tiện: thay vì đi máy bay, bạn có thể lựa chọn các phương tiện khác rẻ hơn, như xe khách, tàu hỏa, xe bus, ô tô và xe máy. Thay vì đi tàu cao tốc bạn có thể đi phà. Thay vì thuê taxi bạn có thể đi bộ, đi xe đạp. Hãy đi xe máy cho chuyến đi gần và tận dụng tối đa các phương tiện công cộng. Chắc hẳn bạn sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị đấy.

Nghỉ:

  1. Lựa chọn hình thức nghỉ: theo mình nhận thấy khoản chi cho việc nghỉ sẽ tốn kém nhất khi đi du lịch. Vậy nên thay vì nghỉ resort, khách sạn, bạn có thể lựa chọn nhà nghỉ, homestay bình dân giá rẻ hơn, thậm chí là xin ngủ nhờ nhà dân hoặc nhà chùa nếu khéo ăn nói nhé. Hoặc bạn có thể lựa chọn cắm trại qua đêm.
    Đối với mình trong những chuyến du lịch bụi, thì việc có chỗ đặt lưng là tốt lắm rồi, dĩ nhiên cũng phải tử tế thoải mái dễ ngủ để có sức khỏe đi tiếp, nên cứ chỗ nào vừa rẻ vừa ổn là mình ở thôi.

13.Book phòng trước để giữ phòng và được giá rẻ hơn. Book trên trang chính thức của khách sạn, nhà nghỉ, tránh qua các trang trung gian. Cách hủy phòng khi đến sát ngày nhận phòng nhưng không có nhu cầu thuê nữa mà không bị mất phí là bạn lùi lịch thêm mấy ngày rồi mới hủy phòng (cái này mình chưa thử bao giờ).

  1. Một mẹo nữa là bạn đừng ngại xin bớt giá phòng (trường hợp đột xuất vào thuê phòng hoặc không phải dịp cuối tuần mà chủ ra giá phòng đắt quá) với lý do vào muộn, trả phòng sớm,…nếu gặp được chủ dễ tính sẽ được bớt nhé. Thuận mua vừa bán nên không có gì phải ngại cả.

Ăn uống và mua sắm

  1. Cũng giống như chỗ nghỉ, thay vì ăn ở nhà hàng bạn có thể ăn uống bình dân hơn, nhưng đừng kham khổ nhé, vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe cả chuyến đi. Và đi du lịch đừng quá khắt khe với bản thân, hãy thử khám phá ẩm thực qua một vài món đặc sản (trong tầm tiền bạn có), vì bạn đã rất cố gắng để đến được đây mà, tận hưởng chút đi nào. Mình mới đọc được ở đâu một câu rất hay, nhớ đại ý là: Thà lúc ở nhà ăn uống tiết kiệm còn hơn là lúc đi du lịch không thử một món đặc sản nào.
  2. Đọc kĩ review (trên mạng hoặc qua người quen) về các địa điểm ăn nghỉ rẻ. Mẹo của mình là hỏi luôn chỗ mình nghỉ xem quanh đây chỗ nào ăn uống được. Và làm quen với người dân xung quanh chắc chắn sẽ được giúp đỡ nhiều đấy nhé.
  3. Mang theo đồ ăn vặt, nước uống và đồ ăn nhẹ, tránh mua đồ bên ngoài vì giá ở khu du lịch thường đắt hơn. Ví dụ nếu đi cung dài mình thường mua chai nước 1,5 lít để uống giữa đường, tránh phải vào quán nước nhiều lần hoặc tránh phải mua nước của chỗ ở (thường đắt gấp đôi, gấp 3 bên ngoài), cũng tiết kiệm được kha khá
  4. Tự đi chợ: bạn muốn ăn uống ngon nhưng sợ tốn nhiều tiền? Vậy tại sao không thử đi chợ bản địa để mua đồ ăn, đặc sản, hải sản để tự nấu hoặc nhờ chủ chỗ bạn nghỉ, nhà hàng chế biến hộ (tính phí). Khi đi chợ bạn có thể mặc cả để được giá rẻ hơn trong nhà hàng rất nhiều, đồ ăn sẽ tươi và chất lượng hơn, trải nghiệm nướng đồ ăn cũng khá thú vị đó. Lưu ý là hình thức này chỉ dành cho nhóm bạn thôi nhé (vì 1 2 người hay đông quá thì ăn nhà hàng, quán ăn cho nhanh) và mỗi chuyến đi chỉ nên áp dụng 1 lần (vì mất thời gian, và ăn đồ nướng nhiều không đảm bảo cho cái bụng của bạn đâu). Hình thức này mình thấy phù hợp nhất khi đi biển này.
  5. Hỏi giá trước khi gọi đồ để tránh bị chặt chém. Trả tiền trước khi nhận phòng để tránh bị bắt bẻ phí phát sinh (phòng trường hợp bạn đen dính chỗ ăn nghỉ chủ không tử tế).
  6. Thay vì mua trong shop, cửa hàng bạn nên mua ở chợ, vỉa hè để có giá rẻ hơn. Đừng quên mặc cả giá hợp lý nhé.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *