Chuyến Đi Thú Vị

Kinh nghiệm toàn tập trekking tự túc cung Everest Base

Kinh nghiệm toàn tập trekking tự túc cung Everest Base Camp năm 2020
(Không đi group tour, Không người hướng dẫn, Không người vác đồ)
— Namaste! Mình thấy cũng có nhiều người đăng kinh nghiệm đi EBC rồi, bài của mình hy vọng có một số chi tiết mới bổ sung, cập nhật giá cả mới nhất 2020 & đặc biệt là chia sẻ cho ai có ý định đi độc lập tham khảo. Mong thế giới nhanh hết dịch, mở cửa trở lại để bà con được ít nhất một lần đến ngắm rặng Himalaya hùng vĩ.

Thông tin về cung:Everest Base Camp là Trạm căn cứ Everest, ở độ cao 5364m là nơi các nhà leo núi tập trung tập luyện, thích nghi để bắt đầu hành trình chinh phục nóc nhà Thế giới 8848m. Cung trek tới Everest Base Camp mất tầm 130km, đi trong khoảng 12-15 ngày cả đi lẫn về. Chiều đi mất nhiều thời gian hơn lúc về vì khi lên cần nghỉ nhiều hơn ở một số trạm để tập thích nghi độ cao. Còn khi đi về thì có thể đi thẳng tuột bỏ qua một số trạm nghỉ trước nên nhanh hơn.

Thời gian thuận lợi để đi:
• Giữa tháng 3-giữa tháng 5 hoặc giữa tháng 9-giữa tháng 11, thời tiết dễ chịu, trời quang có view đẹp ngắm núi.
• Thời gian tránh đi: giữa tháng 11- tháng 3 (cực lạnh, tuyết rơi nhiều), giữa tháng 5-giữa tháng 9 (mùa mưa, lầy lội khó đi).
• Mình bắt đầu leo từ 15/03-26/03 và cực kỳ mãn nguyện khoảng thời gian này. Ban đầu tính đi tháng 4, đông người đi đỡ sợ hơn nhưng do sinh nhật mình vào tháng 3 nên mình quyết định đi tháng 3 và đó là quyết đi hoàn toàn đúng đắn. Chặng lên nhìn tuyết rơi Himalaya rất đẹp, lúc xuống thì tuyết gần như không còn nữa. Nên mình nghĩ ai đi tháng 4, khó thấy tuyết rơi.

Lịch trình: (hình ảnh lịch trình & bản đồ mình để album bên dưới) Mình làm lịch trình sau khi tham khảo thông tin trên mạng kết hợp từ cuốn Lonely Planet Trekking in the Nepal Himalaya mình mua bản mềm 21$. Nếu muốn tiết kiệm hơn mọi ngừoi có thể mua theo chương trekking tới Everest Base Camp thôi.
Ngày 1: Bay Kathmandu-Lukla, đi bộ từ Lukla-Phakding
Ngày 2: Đi từ Phakding lên Namche Bazaar
Ngày 3: Tập thích nghi độ cao ở Namche Bazaar
Ngày 4: Đi từ Namche Bazaar lên Pangboche
Ngày 5: Thích nghi độ cao ở Pangboche, đi lên trạm nền đỉnh Ama Dablam (1 trong những đỉnh yêu thích nhất của mình, ngọn núi thực sự rất đẹp)
Ngày 6: Đi từ Pangboche lên Dingboche
Ngày 7: Dingboche lên Dughla
Ngày 8: Dughla lên Lobuche
Ngày 9: Lobuche tới Gorakshep rồi tới Everest Base Camp
Ngày 10: Gorakshep xuống Dingboche
Ngày 11: Dingboche xuống Phortse (tính lên Dole để tới Gokyo nhưng do dịch Covid nên mình bị quân đội chặn lại và phải đi xuống nên hẹn Gokyo lần sau)
Ngày 12: Phortse xuống Namche Bazaar
Ngày 13: Namche Bazaar xuống Lukla
Ngày 14: Ở chơi thêm ngày ở Lukla
Ngày 15: Bay Lukla về Kathmandu
Và ở lại thêm 4 tháng ở Nepal do dịch covid nhà nước đóng cửa và chưa có máy bay giải cứu về nhưng cũng là một trải nghiệm vui với mình
Lịch trình này có điểm lưu ý là chuyến bay tới Lukla. Đây là đường bay được đánh giá nguy hiểm nhất thế giới, bạn có thể cân nhắc có đi hay không? Có phương án đi đường bộ thay thế là xe bus từ Kathmandu tới Salleri rồi trekking thêm 2-3 ngày nữa tới Lukla và tiếp tục hành trình như trên. Chi phí đi bộ sẽ rẻ hơn nhiều so với bay chặng Lukla. Nhưng mình thì chọn bay do quỹ thời gian giới hạn, và cũng muốn giữa sức cho chặng đi tới Everest Base Camp cũng như muốn trải nghiệm chặng bay được đánh giá là nguy hiểm nhất thế giới này.
Đường đi không khó để xác định trừ khi thời tiết sương mù không ủng hộ, không nhìn rõ đường. Tham khảo ứng dụng bản đồ offline: Maps.me, sử dụng được trên chặng EBC này. Khi gặp vấn đề đường không biết nên lựa đường nào, thì cứ đứng đợi ngừoi đi qua rồi hỏi nhé. Đừng quá mạo hiểm nha, mình thấy trong các căn teahouse cũng có kha khá hình ảnh ngừoi đi lạc chưa tìm thấy.

Tìm bạn đồng hành: Ban đầu tính đi solo rồi đến nơi sẽ nhập hội nào đó đi cùng cho vui. Xong mình tra trên mạng thấy có trang trekkingpartners.com và đã quyết định chiêu mộ thêm một số bạn bè thế giới tham gia cùng không quá 3 người đi cho thêm tự tin, an toàn. Nếu các bạn tra website bây giờ sẽ vẫn thấy bài đăng của mình vào ngày 19/11/2019. Link: https://bit.ly/36DS7KO
Vậy nên ngoài mình còn có thêm các bạn từ Đức, Úc, Ấn tham gia cùng và một số ngừoi mình gặp trên chặng đi sau đó nữa. Dẫu khởi hành cùng nhau nhưng mỗi người đều có lịch trình cung side-trek cung trek bên lề có chút khác nhau nên nhiều khi không đi chung và ngoài ra tốc độ đi mỗi người khác nhau nên mọi người chỉ hẹn nhau ở trạm dừng nếu đợi lâu không thấy thì sẽ đi tìm. Trang trekkingpartners.com mình thấy không chỉ hữu ích cho ngừoi đi tự túc mà áp dụng được cho bạn nào có ý định đi group tour cũng có thể đăng bài trên trekkingpartners.com sẽ nhận được báo giá cạnh tranh và mặc cả với bên cung cấp thay vì book trực tiếp từ website tìm random trên mạng.

Vé máy bay:
• Chặng Hanoi-Kathmandu-Hanoi mình book trước tầm 4 tháng giá là 8tr/2 chiều transit tại Bangkok (không gồm hành lý ký gửi)
• Chặng Kathmandu-Lukla (hãng Yeti): 127$~3tr/bay 15-25 phút (bay Yeti tỉ lệ tai nạn khá ít so với các hãng khác, lưu ý nhé các bạn)
• Chặng Lukla-Kathmandu: 210$~5tr (do hãng bay làm giá, vì thời gian mình đi cũng có chút nhạy cảm phải bay về Kathmandu gấp chờ máy bay giải cứu về Việt Nam do dịch covid)
• Lưu ý không book chặng về vội do không biết chắc chắn được ngày về vì có những lý do như bị shock độ cao có thể phải xuống sớm hơn hoặc có sự việc gì đó xảy ra làm lệch tiến độ. Đợi khi xuống tới Namche Bazaar hoặc kể cả là Lukla rồi có thể book vé về lại Kathmandu sau.

Bảo hiểm du lịch: Mình mua bảo hiểm AIG, có 3 gói chính (các bạn liên hệ kiểm tra lại với công ty bảo hiểm về % chi trả cho trực thăng cập nhật nhất nhé)
• 1,301,000 đồng (mức Cao cấp)
• 930,000 đồng (mức Phổ thông)
• 655,000 đồng (mức Cơ bản): trả 70% phí trực thăng do shock độ cao. Đây là gói mình chọn mua.
Chi phí bắt trực thăng giao động 3000$-8000$. Bạn hiểu lý do sao phải mua loại bảo hiểm này rồi đấy? Ngoài ra các bạn nhớ chụp hình lưu số bảo hiểm để khi cần có thể đưa ra cho người ta tra.

Bệnh shock độ cao: nội dung được quan tâm nhiều nhất trong chặng đi này và cũng là nguyên nhân chính dừng chuyến đi của rất nhiều người lại giữa chừng.
• Biểu hiện dễ thấy như đau đầu, choáng váng, buồn nôn, chán ăn, mất ngủ. Nguyên nhân là do lên cao không khí loãng, thiếu oxy 50-70% oxy so với mực nước biển, khí hậu khắc nghiệt…nguy hiểm nhất là dẫn tới tử vong.
• Cách phòng tránh: Khi gặp dấu hiệu đau đầu dữ dội, người leo nên hạ độ cao đến vùng mà cơ thể thích nghi tốt hơn. Tình huống xấu không chịu được, người leo cần phải bắt trực thăng về lại Kathmandu chữa trị. Có thuốc phòng tránh phần nào bệnh shock độ cao là diamox, cần uống 2 ngày trước ngày dự đoán sẽ có khả năng ở vùng cơ thể sẽ bị shock độ cao. Uống diamox sẽ gây ra một số phản ứng phụ như đi tiểu nhiều, tay tê, mất vị giác và một số triệu chứng giống với bệnh shock độ cao, khó phân biệt. Trong chặng đi của mình mình không bị shock độ cao và cũng không cần phải dùng tới diamox. Và kinh nghiệm chính mình cho là: ăn uống chuẩn bị thể lực, tinh thần khoẻ mạnh trước chuyến đi, trong khi đi giữ tốc độ đi bộ siêu chậm rùa bò như mình, uống thật nhiều nước trung bình 1,5-2l nước, đàn ông/con trai mình thấy uống tầm 3-4l nước, uống càng nhiều càng tốt, thực hiện nguyên tắc leo cao ngủ thấp mỗi ngày không nên leo quá 600m cao dễ bị shock độ cao. Tránh uống rượu bia, hút thuốc lá hay sử dụng chất kích thích trong chuyến đi. Một điều quan trọng mình thấy giúp mình tránh shock độ cao là việc tập thích nghi độ cao khi đi đến một trạm dừng mới. Nhiều ngừoi khi đến trạm dừng mỗi ngày là nghỉ ngơi luôn trong teahouse/lodge, còn mình thì thường ra ngoài đi bộ tiếp lên các điểm viewpoint như đồi/núi gần đó đi lên rồi đi xuống đi loanh quanh khu ở để làm quen với địa hình, khí hậu, độ cao mới tốt hơn.

Thủ tục visa: có 2 loại visa online và on arrival (làm tại sân bay).
• Phí visa: 15 ngày (30$), 30 ngày (50$), 90 ngày (125$). Mình chọn làm visa on arrival ở sân bay và trả phí 50$ cho 30 ngày đi cho thoải mái không bị gò bó thời gian.
• Thủ tục visa rất đơn giản: hộ chiếu, ảnh chân dung 4×6 nền trắng, sẽ cần điền form thông tin cơ bản tại máy điền tự động ở sân bay gặp vấn đề sẽ có nhân viên sân bay đứng đó hỗ trợ rồi thanh toán tiền và đợi đóng dấu hải quan là có visa.

Giấy phép leo núi: trước khi đi mình có gửi email tới cục du lịch Nepal là Nepal Tourism Board để hỏi giấy tờ cần có. Email: [email protected], Địa chỉ: 11018 Bhrikuti Mandap, Kathmandu. 3 giấy tờ cần có: • TIMS (2000Rs ~400K VND): sẽ lấy được tại Cục du lịch Nepal ở Kathmandu • Sagarmatha National Park (3000Rs ~ 600K VND): sẽ trả phí ở Monjo • Local entrance fee (2000Rs ~400K VND): trả phí ở Lukla

Ăn ở & đồ uống: không phải lo đem lều trại, nồi niêu vì cung EBC ở các trạm dừng đều có nhà ở đầy đủ. • Gía phòng ngủ ~100K VND tuỳ trạm. Đôi khi bạn có thể xin ở free & trả tiền ăn là được. Cơ sở hạ tầng chỗ ở cơ bản đầy đủ, không quá tiện nghi nhưng mình không mong đợi gì nhiều ngoài một cái cửa sổ nhìn ra rặng núi tuyết .
• Tắm nước nóng 80K VND – 200K VND tuỳ độ cao. Mình phần đa dùng khăn nước lau ngừoi. Tắm nước nóng tổng cộng 2 lần ở Namche & Dingboche.
• Mỗi bữa ăn tiết kiệm ~200K VND x 3 bữa x số lượng ngày dự kiến đi để ra phí ăn. Mình thường ăn nhiều món + uống trà nhiều nên chi phí >200K cho mỗi bữa. Đồ ăn tham khảo: dal bhat (cơm truyền thống Nepal với súp đậu lăng, salad rău củ), cơm rang, mỳ sào, bánh mỳ Tây Tạng phết mật ong/bơ,…Tránh ăn thịt dễ bị để lâu, ôi thiu gây ra đau bụng đi ngoài.
• Nước máy có thể lấy free nhưng nước nấu, nước lọc cần phải trả phí 20K VND-60K VND/1L tuỳ từng độ cao. Mình toàn dùng nước máy free rồi cho viên lọc nước vào đợi 30 phút uống, mình không phải trả tiền nước dọc chuyến đi.

Sim card, Wifi & Sạc điện:
• Sim của hãng Ncell giá 150 Rupee (30K VND) và thêm gói 1000 Rupee (200K VND có 2GB Data) – 3G chỉ dung được ở dưới Tengboche. Từ chặng này lên đến Everest Base Camp nếu muốn dùng Internet phải cào thẻ Everest Link (giá càng lên cao càng đắt) ~150K VND dùng 5 phút là hết trơn. Cung cấp thông tin này cho các bạn biết thôi chứ mình không dùng sim lẫn mạng gì. Đi du lịch rất hiếm khi mình kết nối internet.
• Sạc điện: 40K VND/1 thiết bị sạc/1 tiếng đồng hồ

Pack đồ cho chuyến đi: ~14tr, phần đa đồ mình mua ở Decathlon store. Mình có làm video phân tích chi tiết về việc pack đồ, Link: https://bit.ly/3i6pkQM
• Gear leo núi – Ba lô Quechua 40L kèm áo mưa ba lô (1tr795), ba lô con 10L Quechua (99K), Giày leo núi Jack Wolfskin cổ cao (2tr600), 2 Gậy leo núi (125K x 2), Túi đựng nước có ống hút 2L (245K), Túi ngủ mùa hè 15 độ (995K), Kính râm + cận (150K), Đèn đeo đầu (99K)
• Quần áo: – 1 Áo cọc tay mỏng Quechua (150K), 1 Áo dài tay mỏng Quechua (250K), 1 áo dài tay giữ nhiệt Wedze (250K), 1 áo dài tay giữ nhiệt khoá kéo Quechua (395K), 1 áo khoác chống mưa, gió Quechua (1tr500), 1 áo khoác gió chống mưa, gió + có lông vũ Forclaz (899K), 1 áo khoác lông vũ không chống nước(1tr200), 1 quần ống rộng có zip tháo thành quần sooc Forclaz (600K), 1 quần legging mỏng (120K), 1 quần legging dày (150K), 1 áo lót mỏng, 2 túi quần lót giấy 10 chiếc (30K x2)
• Phụ kiện: – Mũ len (50K) – 3 đôi tất len – buff (che cổ, đội đầu) Quechua (150K) – 1 đôi găng tay giữ ấm Quechua(150K) – 2 chiếc trợ gối Tarmak(175K x2)
• Đồ vệ sinh cá nhân: – bàn chải đánh răng cỡ bé/có thể cắt đôi bàn chải thông thường ra – tuýp đánh răng cỡ bé – 3 túi dầu gội đầu – băng vệ sinh/cốc nguyệt san – nước rửa tay (20K) – xà phòng khô(150K) – kem chống nắng Kielh(900K) – dưỡng môi mỡ hươu Astrid(70K) – kem dưỡng ẩm da Boots của Anh(215K) – xịt thơm cơ thể – túi khăn ướt nhỏ 10 miếng: (10K) – túi khăn giấy bé/cuộn giấy vệ sinh không lõi – (khăn)
•Đồ điện tử: – sạc dự phòng 8800mah – Gopro + sạc + 2 pin – máy ảnh Sony + sạc + 1 pin – 3 thẻ nhớ – điện thoại + sạc – đồng hồ Garmin vivoactive 4 đo oxy, độ cao, quãng đường, nhiệt độ
• Thuốc: – Diamox phòng shock độ cao(15K/1vỉ) – 1 hộp viên lọc nước (40K) – 1 hộp berberin tránh đau bụng đi ngoài (10K) – Panadol trị cảm cúm(5K) – xịt viêm mũi – (vitamin) – (băng chống phồng rộp da chân) – (kem bôi nhiệt mồm)
• Đồ ăn: – Kitkat/Snickers/Sô-cô-la(64K/1 túi 12 thanh x 2) – lương khô: (12K/1thanh x 7, mỗi ngày ăn nửa thanh) – kẹo caramel(7K/1thanh) – (hạt điều/hạnh nhân/…tăng năng lượng) Giấy tờ: – hộ chiếu – vé máy bay – giấy phép leo núi – bảo hiểm – ảnh – tiền • Vật dụng khác: – sổ – bút 2 đầu to – nhỏ – cờ may mắn lung ta để tren khi đến được EBC – cỗ bài chơi dọc đường • Đồ đáng lý mình đã nên đem theo – microspikes/xà cạp • Đồ mình thấy không thực sự cần thiết phải mang theo: 1 đôi giày nữa – sữa tắm – sách – túi ngủ mùa đông âm độ quá nặng – miếng dán nhiệt – máy tính – nhiều máy ảnh lớn cồng kềnh – flycam/drone

Chi phí & Tiền chuẩn bị: Tổng là ~47tr (các bạn ăn ít hơn mình + không phải trả vé máy bay cao như mình + mua đồ trekking ở Kathmandu rẻ thì chi phí còn thấp hơn nhiều nhé)
• Chi phí dọc đường đi (gồm ăn, ở, máy bay): ~33tr
• Phí mua đồ chuẩn bị cho chuyến đi ~14tr
• Tiền tiêu dọc đường nên mang sẵn USD đi rồi đổi ra Nepali Rupees ở Kathmandu. Trên chặng đi đi có Namche Bazaar (trạm dừng ngày thứ 2) là nơi cuối cùng có thể rút được tiền từ ATM và ATM thì đôi khi không rút được. Nên tốt hơn hết là nên chuẩn bị sẵn sàng tiền từ Kathmandu.

Kinh nghiệm leo núi & Tập luyện trước chuyến đi: Chắc các bạn sẽ bất ngờ. Mình chưa đi leo ngọn núi cao gì ở Việt Nam hay tham gia cung trek nào dài ngày trước đây cả. Fansipan mình chưa đi, Tà Năng, Bạch Mộc,…mình chưa đi đâu cả. Nên các bạn hãy lấy đây làm tấm gương để tự tin đi EBC cho tự tin nhé . Trước chuyến đi mình cũng không tập luyện gì khắt khe đâu. Mình có thói quen đi bộ mỗi ngày nhiều năm, đi để thư giãn thấy dễ chịu nên sau giờ làm việc mình thường đi 4-5km, leo 9 tầng cầu thang 2 lần mỗi ngày. Mình có sở thích bouldering, rock climbing nên cũng hay đi leo núi trong nhà. Mỗi năm đi du lịch nhiều, phần đa đều tranh thủ đi bộ nên mình nghĩ việc đó tôi luyện cho mình sức bền. Còn mình không có đầu tư tập luyện gì nặng trước chuyến đi cả. Ngoài thể lực, một phần rất quan trọng là ý chí & niềm tin các bạn nhé, là sẽ tới được đích thôi.

Ngôn ngữ: Người Nepal nói tiếng Anh khá tốt nên ai nói được tiếng Anh không lo vấn đề giao tiếp. Còn ai quan tâm đến trao đổi với ngừoi bản địa có thể học một số câu căn bản.
• Namaste: Chào
• Dhanyabaad (phiên âm của mình: đan-nê-vạt): Cảm ơn
• Tapaainko naam ke ho (Ta-pai-ko năm kề hồ?): Tên bạn là gì
• Mero naam….ho (Me-ro năm….hồ): Tên tôi là….
• Bistaarai (bis-ta-rây): từ từ thôi (thường dùng trong chuyến đi, cần đi chậm đỡ bị shock độ cao)
• Tapaain angrejee boln saknuhunchha? (Ta-pai ăng-gờ-rê-ji vô-nu-hun-chà): Bạn có nói được tiếng Anh không
• Ho (hồ): có
• Chai na (chài ): không
• Ma ali ali angrejee holchhu (Ma a-li a-li ăng-gờ-rê-ji vôn-chu): Tôi nói được một chút tiếng Nepal
Mình thấy bài sớ của mình cũng dài loằng toằng ngoằng như chặng Everest Base Camp rồi dừng ở đây thôi . Nếu muốn nghe & xem chi tiết hơn nữa giải thích của mình từng phần có thể tham khảo link video youtube mình làm, mình để link dưới đây nha. Dhanyabaad!!!

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *