Chuyến Đi Thú Vị,  Mẹo Du Lịch

Du Lịch Tuyên Quang

Nên đi du lịch Tuyên Quang vào mùa nào?

Khí hậu ở Tuyên Quang chia thành hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô tương đối hài hòa nên du khách có thể đến đây vào bất kỳ lúc nào. Nhưng tốt nhất, các bạn nên tránh tháng 11, 12 Âm Lịch vì Tuyên Quang lúc này ngập đầy sương muối với cái rét cắt da, cắt thịt.

Phương tiện đi và đến Tuyên Quang


Cách Hà Nội khoảng 150km và được nối với thủ đô bằng tuyến quốc lộ 2 nên việc di chuyển tới Tuyên Quang khá dễ dàng. Từ bến xe Mỹ Đình hàng ngày luôn có các tuyến xe đi Tuyên Quang chạy liên tục, ngoài ra có thể đi tới Tuyên Quang bằng các tuyến xe đi Hà Giang chạy buổi tối. Nếu sử dụng phương tiện xe máy, từ Hà Nội các bạn đi theo đường Phạm Văn Đồng lên tới ngã 3 Nội Bài – Phúc Yên, rẽ theo hướng Quốc lộ 2 đi Phúc Yên, Vĩnh Yên rồi đi thẳng theo trục đường quốc lộ 2 qua Phú Thọ, Tuyên Quang

Mặc dù du lịch Tuyên Quang so với một số địa phương kế cận chưa thực sự được đầu tư phát triển nhiều nhưng các dịch vụ lưu trú khách sạn, nhà nghỉ đều đủ sức đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến với tỉnh.

Trong những năm gần đây, do nhu cầu du lịch cộng đồng ngày càng phát triển nên khá nhiều các cơ sở lưu trú dạng homestay tại Tuyên Quang cũng được đầu tư, mở rộng thêm để phục vụ du khách.

Du lịch Tuyên Quang tuy chưa phát triển như một số địa phương khác nhưng cũng có vô vàn những cảnh đẹp mà chắc chắn nhiều người chưa từng nghe tới, ngoại trừ những di tích lịch sử khu vực Tân Trào… Hãy cùng thử điểm lại những địa điểm đáng đến ở Tuyên Quang nhé.

– Khu di tích Tân Trào
Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào nằm ở phía Đông Nam cuả Tuyên Quang, bao gồm 12 xã trong khu ATK thuộc hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Đây là một vùng đất rộng lớn có địa giới tiếp giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên. Tân Trào là vùng núi rừng đại ngàn liên hoàn hiểm trở, nhiều hang động, có tài nguyên phong phú, cảnh quan tuyệt đẹp.

Căn cứ địa Tân Trào là thủ đô lâm thời của khu giải phóng Việt Bắc, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. Trong thời kỳ chống Pháp và Mỹ, đây là nơi mà chính phủ Việt Nam chọn để xây dựng thành An toàn khu, thủ đô kháng chiến để lãnh đạo.

Ngoài ra, khu di tích Tân Trào còn có những di tích có giá trị lịch sử và du lịch khác như: Bản Khuổi Kịch, đình Thanh La, Vực Thia, làng Tân Lập, lán Cảnh Vệ – Điện Đài, lán Đồng Minh, sân bay Lũng Cò, đèo Chắn, Đồng Man – Lũng Tẩu, Khấu Lẩu – Vực Hồ, Ban Tuyên huấn Trung ương, hang Thia, hang Bòng, thôn Lập Binh, xã Trung Yên, hầm An toàn của Bác, hầm Trung ương Đảng, hầm Chính phủ và Bảo tàng Tân Trào.

– Đình Tân Trào
Đình Tân Trào là một đình nhỏ được xây dựng vào năm 1923 theo kiểu nhà sàn, cột gỗ, ba gian hai chái, mái lợp lá cọ, sàn lát ván, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng. Đình thờ 8 vị thành hoàng làng đại diện cho các thần sông, thần núi của làng Tân Lập, xã Tân Trào. Dưới mái đình này, ngày 16 tháng 8 năm 1945 đã họp Quốc dân Đại hội để quyết định lệnh tổng khởi nghĩa, 10 chính sách lớn quy định quốc kỳ, quốc ca và cử ra một chính phủ lâm thời.

– Đình Hồng Thái
Đình Hồng Thái cách đình Tân Trào gần 1 km trên đường đi Sơn Dương, đình được xây dựng tại địa phận của làng Cả, xã Tân Trào. Năm 1919, đình có tên là đình Làng Cả hay đình Kim Trận. Đình Hồng Thái còn là trạm giao liên và là nơi huấn luyện quân sự trong suốt thời kỳ kháng chiến. Đình còn là điểm dừng chân của các đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội, là trạm thường trực của “An toàn khu của Trung ương đóng ở Tân Trào”.

– Lán Nà Lừa
Lán Nà Lừa đây là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, cách làng Tân Lập gần 1 km về hướng đông, lán Nà Lừa được dựng bằng tre theo kiểu nửa sàn, nửa đất của người miền núi, dưới các đám cây rậm rạp. Lán Nà Lừa do đơn vị giải phóng quân dựng để chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ tháng 6 năm 1945 đến cuối tháng 8 năm 1945. Lán Nà Lừa có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ ngơi, còn gian ngoài là chỗ chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc và tiếp khách. Tại đây, ngày 4 tháng 6 năm 1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng và Quân giải phóng, chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *