Mẹo Du Lịch

CẦN CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC KHI ĐI PHƯỢT?

CẦN CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC KHI ĐI PHƯỢT?

Hôm trước, có một người em nhắn tin hỏi rằng cần chuẩn bị gì khi đi xa. Mình hơi bất ngờ vì đây là kiến thức cơ bản mỗi người cần phải biết nếu thường xuyên di chuyển. Có thể em ấy chưa từng đi xa và đang loay hoay không biết chắc rằng mình nên chuẩn bị gì. Mỗi người mỗi hành trang riêng nhưng với một số bạn lần đầu hay đôi khi không phải lần đầu đi xa cũng luôn có những thắc mắc chung: Nên mang gì? Bao nhiêu là đủ? Vì vậy bài viết này dựa trên kinh nghiệm qua rất nhiều chuyến xa mong có thể giúp mọi người tham khảo để chuẩn bị hành trang thật tốt trước khi đi phượt.

I. Tiền

Vâng, thứ đầu tiên và quan trọng nhất bạn cần chuẩn bị đó là tiền, vì không có tiền thì bạn sẽ chẳng đi đâu được.

Không mang theo/mang theo ít tiền chuyến đi của bạn sẽ rất vất vả, thiếu thốn, không chủ động. Bạn phải đi xin ăn, xin nghỉ,…Nếu bạn gặp được người tốt họ sẽ giúp, có người sẽ dè chừng, khó chịu…Kiểu đi này chỉ dành cho đi bộ, đi xe đạp thôi nhé, chứ đi xe máy mà vào cây xăng xin ít xăng chắc người ta cầm gậy đuổi đi ngay

Trường hợp nếu xin được chắc gì bữa ăn và chỗ nghỉ đó đã đảm bảo?
Hoặc nếu bữa đó, buổi tối hôm đó bạn không xin được thì sao?

Chắc chắn bạn phải khéo ăn nói, kiên trì, chịu khổ, thậm chí phải dùng từ “chai mặt” mới đi được kiểu ấy. Còn mình thì chịu, có tiền thì đi không thì ở nhà, cơm ba bữa, chăn êm nệm ấm cho lành

Vậy bao nhiêu tiền là đủ? Trước mỗi chuyến đi bạn nên tính toán xem mình đi bao lâu, bao xa, phí phát sinh thế nào để căn số tiền cần mang theo. Dĩ nhiên càng có nhiều chuyến đi của bạn càng thoải mái nhưng tránh trường hợp đi chơi về nhẵn túi nhé. Bạn nên mang vừa đủ tiền tiêu trong người, còn lại để trong tài khoản ngân hàng (nhớ mang thẻ theo) để rút tại cây ATM của trung tâm huyện/xã nếu cần. Thường thì trung tâm các địa phương hay có cây ATM của Agribank.

II. Trang phục

1. Quần dài: 1-3 chiếc, 1 chiếc sử dụng đi đường, 1-2 chiếc còn lại để thay.

2. 1-2 Quần đùi, quần short dùng lúc đi ngủ hoặc cho chuyến đi tắm biển, tắm thác.

3. Áo phông/áo sơ mi mặc bên trong bao nhiêu tùy số ngày và nhu cầu cá nhân.

4. 1 Áo len và 1 áo khoác dày cho mùa đông.

5. 1 Áo khoác gió dùng để chắn gió, chắn bụi, chống nắng. Nên chọn mua áo chống nước sẽ giúp sương không ngấm vào người.

6. 1 Khăn quàng cổ: mùa hè bạn mang theo khăn mỏng để chắn nắng và thấm mồ hôi. Mùa đông thay bằng khăn len để giữ ấm.

7. Tất và quần/áo lót: bạn nên mang nhiều để thay thường xuyên.

8. 1 đôi giày: đôi giày sẽ theo bạn suốt hành trình nên bạn hãy đầu tư thật chất lượng nhé. Bạn nên sử dày có độ bám tốt, giày đế dày và cao, kích cỡ vừa rộng không quá chật nhằm tránh tổn thương, đau nhức chân.
Tránh đi: giày lười, giày cao gót, giày búp bê.
Nên đi giày leo núi, giày bộ đội, giày thể thao.

9. 1 mũ lưỡi chai: dùng để đội che nắng khi đi bộ, leo núi.

10. 1 ba lô: cuối cùng bạn cần có một chiếc ba lô để đựng đồ. Tùy theo lượng đồ mang theo để chọn kích thước ba lô. Nếu ba lô nhỏ mà nhiều đồ quá bạn có thể lựa chọn bỏ bớt đồ không cần thiết/mang theo hai ba lô/hoặc treo ở bên ngoài.
Mình hay mang theo túi đeo chéo, để mấy đồ linh tinh cần dùng thường xuyên.

III. Đồ dùng cá nhân, đồ y tế và đồ cần thiết khác (Tùy nhu cầu nhé, bạn có thể lựa chọn không mang hoặc mang thêm đồ khác)

1. Khăn mặt, khăn tắm

2. Bàn chải, kem đánh răng

3. Dầu gội đầu, xà phòng

Các vật dụng nêu trên nhà nghỉ, khách sạn thường có sẵn nhưng bạn mang theo đồ của mình sẽ tốt và sạch hơn.

4. Máy sấy tóc: nếu có thể bạn nên mang máy sấy tóc theo. Ngoài dùng để sấy tóc bạn có thể dùng để sấy đồ bị ướt.

5. Giấy ăn và khăn ướt: sẽ rất hữu ích đấy nhé.

6. Đồ dùng y tế cần thiết như: băng gạc, thuốc đau bụng, thuốc giảm đau,…Bạn có thể mua tại địa phương nhưng nếu leo núi hoặc đi đường xa vắng vẻ bạn nên chuẩn bị trước.

7. Bật lửa, đèn pin, dao là những vật dụng cần thiết khi đi rừng núi.

8. Nước uống và đồ ăn nhẹ: bạn nên mang theo chai nước lọc 1,5 lít, ngoài ra có thể mang thêm trà, cà phê, bánh kẹo, đồ khô…mùa đông có thể mang theo bình giữ nhiệt.

Ngoài ra bạn có thể mang tăm, bông ngoáy tai, dao cạo râu, sữa rửa mặt,…tùy nhu cầu mỗi người.

IV. Đồ bảo hộ khi đi đường

1. Mũ bảo hiểm: vì là chuyến đi phượt bằng xe máy nên thời gian bạn đi xe rất nhiều, bạn nên chọn mũ bảo hiểm chất lượng tốt, mũ ¾ hoặc mũ full face có kính chắn bụi, càng kín càng tốt. Tránh đội mũ mỏng dính, mang tính chống đối.

2. Khẩu Trang: giữ ấm, chống bụi.

3. Găng tay: dùng để lái xe, chống nắng cho tay, mùa hè có thể đeo găng cụt ngón, mùa đông đeo găng dài để giữ ấm. Ngoài ra khi leo núi, găng tay giúp bạn tránh bị trầy xước.

4. Giáp chân, tay, toàn thân: giữ ấm và giảm chấn thương khi không may bị ngã xe.

5. Áo mưa bộ: dùng khi đi mưa, không dùng áo mưa trùm vì rất nguy hiểm.

6. Kính râm, kính chắn bụi: bảo vệ mắt khi đi đường. Kính râm có thể dùng để sống ảo cho ngầu nữa

7. Túi nilon: để làm gì các bạn biết không: để bọc giày khi đi mưa đó, nhằm giữ sạch giày và tránh cho chân bị ngấm nước. Ngoài ra bạn có thể dùng túi nilon để bọc các vật dụng khác, để rác, quần áo bẩn…

Túi nilon màu vàng chùm vào đèn xe, dùng trong trường hợp sương mù.

Lưu ý: Dùng áo mưa/túi nilon/khăn ướt…xong đừng vứt rác giữa đường nhé! Mình thường gom lại rồi kiếm thùng rác bỏ vào

V. Giấy tờ tùy thân

  1. Giấy phép lái xe: Đây là giấy tờ quan trọng nhất, bắt buộc bạn phải có trong chuyến đi phượt bằng xe máy. Nhiều trường hợp giấy phép lái xe có thể được dùng để thay chứng minh thư nhân dân.
  2. Chứng minh nhân dân (CMND) và hộ chiếu:
  • CMND dùng để khai báo tạm trú tại nhà nghỉ, khách sạn (có thể dùng giấy phép lái xe để thay thế)
  • CMND và hộ chiếu dùng để khai báo với đồn biên phòng, hải quan khi vào khu vực biên giới và cửa khẩu (CK).

Theo mình tìm đọc được: CK quốc gia thì chỉ cần CMND, CK quốc tế thì cần hộ chiếu.

Ví dụ:

  • Leo đỉnh Pha Luông phải dùng CMND đăng ký với đồn biên phòng Pha Luông.
  • Qua CK Lóng Sập dùng CMND.
  • Qua CK quốc tế Lào Cai, bạn dùng hộ chiếu.
  1. Giấy tờ liên quan đến xe máy: Cùng với giấy phép lái xe bạn cần mang theo: đăng ký xe, bảo hiểm xe để phòng trường hợp bị CSGT tuýt lại.

Nếu là xe trả góp cần mang theo: đăng ký xe công chứng, và giấy biên nhận từ công ty tài chính.

  1. Thẻ sinh viên/thẻ học sinh: Nếu bạn là học sinh/sinh viên đừng quên mang thẻ theo nhé, vì nhiều địa điểm giảm giá cho học sinh/sinh viên đấy.

Ví dụ: VQG Ba Vì giảm còn 20k/ng khi có thẻ học sinh, sinh viên (giá gốc 40k). VQG khác như Cúc Phương, Ba Bể không giảm giá.

  1. Thẻ ngân hàng mình đã nêu ở mục I.

VI. Đồ điện tử

1. Điện thoại di động và sim: là vật dụng không thể thiếu, bạn nên chọn loại sóng tốt và pin khỏe. Nên đăng ký mạng internet khỏe để dễ tra bản đồ và thông tin giữa đường.

2. Sạc điện thoại và sạc dự phòng: sẽ thật đáng lo ngại nếu đang đi giữa đường mà điện thoại hết pin. Bạn nên trang bị sạc dự phòng để điện thoại lúc nào cũng có pin nhé.

3. Thiết bị quay chụp: để lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời thì một chiếc điện thoại quay phim và chụp ảnh tốt là thuận tiện nhất. Nếu có điều kiện bạn có thể đầu tư thêm: máy ảnh, camera hành trình, flycam…

4. Tai nghe/loa/mic bluetooth nghe nhạc giúp bạn chống buồn ngủ và thả hồn vào khung cảnh nơi bạn đến đấy vì vậy đừng quên tai nghe. Đôi khi mình mang theo mic để hát hoặc đàn ukulele

VII. Kiểm tra xe trước khi lên đường

  • Đi phượt bằng xe máy thì bạn cần có một chiếc xe tốt, xe tốt không nhất thiết phải là xe đẹp, xe to mà là xe phù hợp với điều kiện địa hình chuyến đi và điều kiện tài chính của bạn.
    +Những cung đường đẹp và gần bạn có thể đi bất cứ xe nào.
    +Cung đường đèo dốc nên đi xe số khỏe, tránh đi xe ga(nguy hiểm), xe cub(yếu).
    +Cần tốc độ cao và an toàn thì đi xe côn tay.
    +Cung đường xấu, hẹp, offroad nên đi xe địa hình hoặc xe số. Không nên đi xe côn vì chỉ cần lỡ tay nhả côn là bạn sẽ xòe hoặc lao xuống vực ngay rất nguy hiểm.
  • Trước khi đi xa bạn nên đem xe đi bảo dưỡng.
  • Cụ thể bạn nên: thay dầu máy, dầu phanh, căng xích, thay má phanh, thay săm mới(nếu cần thiết),…
  • Kiểm tra đèn xe, xi nhan, đèn hậu. Đèn tối quá thì bạn thay đèn sáng hơn hoặc lắp thêm đèn trợ sáng nếu đi đêm nhiều.
  • Kiểm tra ắc quy, bugi, còi,…
  • Đổ đầy xăng trước khi lên đường.

Trên đây là những thứ cần chuẩn bị trước khi đi phượt đúc kết được. Mong sẽ giúp ích được cho mọi người

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *